Theo đó, Đại diện Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Tân Phước (chủ đầu tư dự án) cho biết, việc phản ánh độ cao của cầu quá thấp, ghe tàu không thể đi vào thu hoạch và thu mua nông sản là ý kiến vì quyền lợi một số cá nhân nên phía chủ đầu tư không thể thực hiện theo. Cây cầu này xây dựng bắc qua kênh Tuyến 2 là kênh thủy lợi có chức năng thoát phèn, cung cấp nước tưới tiêu chứ không phải phục vụ chính cho lưu thông đường thủy. Khi bắc cầu ngang dòng kênh này chỉ có các phương tiện chở cồng kềnh như máy gặt đập liên hợp của một số hộ dân bị cản trở chứ các phương tiện khác lưu thông bình thường.
Trước khi xây cầu ngang kênh, các ngành chức năng huyện và chính quyền địa phương đã khảo sát, nhất trí phương án cũng như các yêu cầu kỹ thuật, đúng trình tự, thủ tục. Và nếu theo yêu cầu của một số hộ dân xã Phước Lập, nâng cao khoảng tĩnh không thông thuyền lên thêm 1,5m nữa thì sẽ tạo độ dốc quá mức cho phép, có thể gây ra tai nạn giao thông. Khu vực này còn có nhiều cây cầu khác xây dựng từ trước cũng có tĩnh không thông thuyền rất thấp do rất ít phương tiện thủy lưu thông.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang) cho biết, kênh Tuyến 2 là kênh thủy lợi nội đồng, không có chức năng phục vụ giao thông thủy. Cây cầu có cao trình +2,7m đi vào trụ sở UBND xã Phước Lập là đúng quy định vì cao trình đê Tân Phước chỉ có +2,5m, nên việc UBND huyện Tân Phước xây cầu với quy mô, thiết kế trên là phù hợp.
Trước đó ngày 3-3, ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, cho biết dự án cầu bắc qua trụ sở UBND xã Phước Lập đã tạm dừng thi công do người dân địa phương phản ánh độ cao quá thấp, ghe tàu không thể đi vào thu hoạch và thu mua nông sản.
Cầu bắc qua trụ sở UBND xã Phước Lập có chiều dài 24,9m, chiều ngang 5,5m, cao độ dạ cầu 2,7m, tải trọng 3,5 tấn. Cầu do UBND huyện Tân Phước làm chủ đầu tư, với tổng vốn trên 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, được khởi công vào tháng 8-2022 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.