(SGGP). – Đến ngày 23-9, đoàn kiểm tra gồm Viện Khoa học Hình sự (C21), Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15), Cục Cảnh sát bảo vệ (C22), Cục Cảnh sát môi trường (C36) và đại diện các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục điều tra phát hiện ít nhất 5 vị trí đường ống xả thải ra sông Thị Vải.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hoàng Hà đã trực tiếp khảo sát khu vực hệ thống xử lý nước thải hồ sinh học, hệ thống UASB (lọc nhỏ giọt để xử lý nước thải) của Vedan. Theo đoàn kiểm tra, hiện đã xác định được tổng khối lượng xả thải hàng tháng của Vedan tại 2 trụ bơm ở cầu Cảng số 2 và ống xả ngầm dưới nước tại cầu Cảng số 1 ra sông Thị Vải lên đến 70.400m3/tháng.
Hệ thống xử lý nước thải UASB không vận hành đúng thiết kế kỹ thuật theo quy định, bùn thải lỏng không được đưa vào máy ép bùn mà xả trực tiếp vào hệ thống hồ sinh học số 2. Tổng số lượng xả thải của Vedan có thể sẽ không dừng lại ở con số trên vì càng kiểm tra càng phát hiện thêm nhiều tuyến ống nằm trong diện nghi vấn xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.
Cũng theo đoàn kiểm tra, nhiều đường ống tại khu vực chứa chất thải của Vedan có dấu hiệu bị cắt bỏ nhằm xóa dấu vết. Cụ thể tại xưởng lên men 2, nhân viên điều tra phát hiện nhiều vết hàn đường ống rất mới, đặc biệt có dấu vết trám lỗ chảy từ bể chứa ra mương thoát nước giải nhiệt. Đại diện xưởng trưởng xác nhận hệ thống này mới được hàn, cắt và trám lỗ khoảng 3 ngày qua để đối phó với cơ quan chức năng.
Theo lời khai của ông Nguyễn Sơn Tú, cán bộ vận hành hệ thống máy bơm nước thải ở xưởng lên men 2, hệ thống xả nước tại đây có 2 đường ống, trong đó 1 đường có đường kính 14cm dẫn về hệ thống xử lý nước thải (có van khóa tự điều khiển), còn 1 đường ống có đường ống 20cm được xả nước thải trực tiếp vào mương thoát nước giải nhiệt ra thẳng sông Thị Vải.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản buộc giữ nguyên hiện trạng và Vedan cũng đã tiếp tục ký vào biên bản vi phạm. Đoàn kiểm tra cũng đã công bố kết quả phân tích hàm lượng các thông số ô nhiễm trong dịch thải của Vedan. Hầu hết thông số ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn TCVN 5945:2005 từ 10 đến 2.600 lần từ bể bán âm và từ 36 đến 3.675 lần tại bồn chứa 15.000m3 (lấy mẫu lúc bơm xả ra sông Thị Vải).
Ông Trần Hoàng Hà cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc kiểm tra lâu dài là do sự thiếu hợp tác của Vedan. Mặc dù đoàn kiểm tra đã nhiều lần đề nghị Tổng giám đốc Vedan phải trực tiếp có mặt làm việc với đoàn nhưng Tổng giám đốc Vedan vẫn không chịu xuất hiện. Vedan cũng chưa cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu, bản vẽ kỹ thuật thiết kế, xây dựng, hoàn công kể cả xây dựng ban đầu và xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước thải cho đoàn kiểm tra. Nếu Vedan cứ kéo dài không chịu hợp tác, đoàn kiểm tra sẽ phải tăng cường thêm lực lượng và gia hạn thêm thời gian để điều tra làm rõ sai phạm, xử lý cụ thể từng cá nhân, tùy vào mức độ vi phạm - ông Hà cho biết.
Được biết, hôm nay (24-9), Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an sẽ chủ trì cuộc họp để nghe lãnh đạo các cục nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát và Công an tỉnh Đồng Nai báo cáo tiến độ việc điều tra sai phạm của Vedan.
Đ.HÀ - M.NGUYÊN
“Cứu” sông Thị Vải: Ít nhất 10 năm!
Sông Thị Vải ô nhiễm đã được báo động cách đây hơn 10 năm, nhưng đến nay chưa được cải thiện mà còn có dấu hiệu tăng nặng bởi mỗi ngày “uống” hàng chục ngàn m3 nước thải chưa qua xử lý từ các khu công nghiệp (KCN). Nồng độ của hầu hết chất gây ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài lần đến hàng trăm lần. Những giải pháp nào để “cứu” sông Thị Vải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra tại buổi hội thảo do Tổng cục Môi trường Bộ TN-MT tổ chức ngày 23-9 tại tỉnh Đồng Nai.
- Ô nhiễm vượt tiêu chuẩn... đến 445 lần
TS Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Thông tin môi trường thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đánh giá, nước sông Thị Vải bị ô nhiễm rất cao, vì đây là nơi tiếp nhận các nguồn nước thải công nghiệp chưa qua xử lý do các KCN, cơ sở sản xuất xả thải ra sông Thị Vải, gây nên hiện tượng ô nhiễm cục bộ về mùi, màu, chất hữu cơ, kim loại nặng… ngày càng tăng dần. Trong khi đó, nồng độ ôxy hòa tan trong nước của sông Thị Vải xuống rất thấp. So sánh kết quả quan trắc ngày 8-5-2006 và kết quả ngày 24-8-2008, cho thấy nồng độ ôxy hòa tan (DO) trong nước tại những vùng bị ô nhiễm trên sông Thị Vải ngày càng lan ra xa. Cụ thể, thời điểm quan trắc năm 2006, độ dài của vùng ô nhiễm nặng (lượng ôxy hòa tan dưới mức 0,1 mg/l) kéo dài khoảng 10km. Đến tháng 8-2008, vùng ô nhiễm nặng đã kéo dài đến trên 15km (sông Thị Vải có chiều dài dòng chính khoảng 40km).
Theo đánh giá của các nhà khoa học, nồng độ của hầu hết chất gây ô nhiễm hữu cơ, các chất dinh dưỡng trong nước sông Thị Vải đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Kết quả quan trắc tại 8 điểm trên sông Thị Vải trong những năm qua cho thấy, mức độ ô nhiễm khá cao. Nồng độ kẽm trong nước vượt tiêu chuẩn cho phép 3,9 – 5,3 lần, nồng độ trung bình của Nitơ Amonia tại khu vực ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép 8 – 15 lần. Đặc biệt, ô nhiễm do vi sinh trong nước vượt tiêu chuẩn cho phép 21 – 445 lần là rất đáng báo động.
- Còn nhiều “bản sao” Vedan khác
Kết quả thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Môi trường vừa qua tại 77 KCN, cơ sở sản xuất dọc theo dòng sông Thị Vải cho thấy hầu hết cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các tiêu chuẩn môi trường theo quy định của Bộ TN-MT. Trong số 49/77 cơ sở có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chỉ có 21 cơ sở xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam, chiếm 15,6%. Số còn lại đều xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép hoặc không có hệ thống xử lý nước thải. Lượng lớn các chất gây ô nhiễm trong nước thải ra môi trường sông Thị Vải tập trung tại cơ sở sản xuất từ rạch Vedan đến cảng Cái Mép. Theo tính toán của Tổng cục Môi trường, 77 cơ sở sản xuất, KCN thải ra sông Thị Vải hơn 33.000m3/ngày, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đang hoạt động tại KCN Gò Dầu, KCN Mỹ Xuân A1, A2, KCN Mỹ Xuân B…
PGS-TS Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, số đơn vị gây ô nhiễm môi trường cho dòng sông Thị Vải từ nhiều năm qua không chỉ riêng có Vedan. Các đợt thanh tra vừa qua cho thấy có rất nhiều cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không đạt tiêu chuẩn. Những cơ sở sản xuất này xả ra dòng sông từ hàng trăm đến hàng chục ngàn m3 nước thải mỗi ngày đã góp phần gây ô nhiễm sông Thị Vải nghiêm trọng hơn. Cũng theo ông Tuyến, qua vụ việc Vedan cho thấy đã đến lúc tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp chưa qua xử lý thải ra sông Thị Vải là điều đáng báo động. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại cho người dân thì phải đền bù. Do đó trong thời gian tới Tổng cục Môi trường cũng sẽ yêu cầu các cơ quan điều tra tiếp tục xử phạt nghiêm khắc các cơ sở gây ô nhiễm sông Thị Vải.
Mất 10 năm... để “rửa” sông Thị Vải
Theo các nhà khoa học, để “cứu” sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay cần ít nhất 10 năm. Biện pháp trước mắt là tăng cường công tác quan trắc, giám sát môi trường, đặc biệt là giám sát nguồn nước thải ra sông; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra môi trường một cách thường xuyên; có biện pháp buộc các cơ sở sản xuất thực hiện chương trình quan trắc tuân thủ theo Luật Bảo vệ môi trường. Yêu cầu các cơ sở sản xuất phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, đình chỉ hoạt động, không cho tiếp tục xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải ngay từ bây giờ.
GS-TS Lâm Minh Triết, người đã có nhiều năm nghiên cứu về môi trường sông Thị Vải, đề xuất các cơ quan chức năng nên nghiên cứu đào kênh dẫn nước từ sông Thị Vải qua sông Đồng Nai, do sông Đồng Nai có lưu lượng nước chảy mạnh sẽ giúp dần việc tháu rửa ô nhiễm cho sông Thị Vải. Hơn nữa sông Thị Vải hoạt động theo cơ chế bán triều lên xuống nên hướng thoát nước sang sông Đồng Nai sẽ mạnh hơn khi có kênh dẫn. Do đó, việc cải thiện môi trường sông Thị Vải sẽ dễ dàng hơn. TS Nguyễn Văn Nhì, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho rằng việc đánh giá nguồn nước sông Thị Vải bị ô nhiễm hiện nay chỉ dừng lại ở mức kiểm tra trên mặt nước sông, còn vùng sâu dưới đáy sông thì chưa thực hiện công tác quan trắc. Do đó mức độ ô nhiễm chưa được kiểm tra đánh giá một cách toàn diện.
Ngoài ra, một số nhà khoa học cũng cho rằng cần nhanh chóng nghiên cứu xây dựng hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các KCN, cơ sở sản xuất (thay thế cho hệ thống quan trắc thủ công mỗi năm thực hiện 2 – 6 lần) nhằm kiểm tra, theo dõi thường xuyên mức độ ô nhiễm của sông Thị Vải để có biện pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời tăng mức phí xả nước thải công nghiệp bởi hiện nay mức thu phí này quá thấp và tăng cường xử phạt thật nghiêm những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
LÊ LONG