Sau khi kết thúc phần tranh luận, hội đồng xét xử quyết định quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số nội dung.
Tại phiên tòa, đại diện Grab khẳng định trong quá trình thực hiện Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 7-1-2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Đề án 24), Grab chỉ hoạt động với tư cách là một đơn vị cung ứng công nghệ hỗ trợ dịch vụ vận tải, không phải là nhà cung cấp dịch vụ vận tải. Chủ tọa phiên tòa hỏi ông Jerry Lim (quốc tịch Singapore, CEO của Grab tại Việt Nam): “Tỷ lệ số người đầu tư mua xe mới để chạy Grab và số người sử dụng xe nhàn rỗi có sẵn để chạy Grab là bao nhiêu?”; ông Jerry Lim trả lời: “Không rõ. Chúng tôi chỉ cần biết xe có đủ điều kiện kinh doanh hay không chứ không hỏi là xe nhàn rỗi có sẵn hay xe mới mua”. Chủ tọa phiên tòa cho biết muốn hỏi rõ vấn đề này vì ở những nước khác, đây là mô hình chủ xe sử dụng xe nhàn rỗi có sẵn để chạy Grab, nhưng khi vào Việt Nam thì biến tướng, phần lớn tài xế đầu tư mua xe mới để chạy Grab. Tiếp đó, chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: “Hoạt động cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối và hoạt động kinh doanh vận tải trên thực tế có thể tách rời không?”. “Chúng tôi không thể đưa ra nhận định chính xác là có thể tách rời hai lĩnh vực này hay không”, ông Jerry Lim nói. Chủ tọa phiên tòa phân tích: nếu có thể tách rời được mà Grab vẫn cố tình hoạt động như một đơn vị kinh doanh vận tải, ban đầu là cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối nhưng về sau lại trở thành kinh doanh dịch vụ vận tải thì cần xem lại.
Chủ tọa phiên tòa cũng hỏi đại diện Grab về phương thức chuyển lợi nhuận cho đối tác: “Giả sử một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, Grab được chiết khấu 25.000 đồng thì 75.000 đồng còn lại ai được hưởng”. Ông Jerry Lim cho biết 75.000 đồng này Grab sẽ chuyển trực tiếp cho tài xế; hoặc Grab chuyển cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) vận tải đối tác để đơn vị này chuyển cho tài xế. Thế nhưng trong lời khai của người làm chứng là đại diện một số DN, HTX kinh doanh vận tải là đối tác của Grab trong quá trình thực hiện Đề án 24 được chủ tọa công bố tại phiên tòa cho thấy các DN, HTX này chỉ cấp phù hiệu xe hợp đồng cho tài xế, còn việc định giá cước, thưởng - phạt tài xế là do Grab tự quyết định; giá cước vận chuyển là tài xế hưởng, các DN, HTX vận tải không hưởng lợi nhuận gì từ dịch vụ vận chuyển hành khách.
Hôm nay 23-10, phiên tòa tiếp tục làm việc.