Sau nhiều lần mời, triệu hồi người đại diện pháp luật của BISUCO là ông Arunachalam Nandaa Kumar (người Ấn Độ) không được, các ngành chức năng tỉnh Bình Định buộc phải xử lý khối tài sản hiện có để giải quyết nợ nần của công ty và quyền lợi cho người lao động. Hiện vụ việc đang được TAND tỉnh Bình Định thụ lý, xử lý.
Theo tài liệu của PV Báo SGGP có được, tháng 9-2019, ngành chức năng Bình Định tuyên bố BISUCO phá sản. Tháng 6-2020, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam (SCB Việt Nam) có văn bản yêu cầu bán đấu giá toàn bộ tài sản nhà máy của BISUCO. Tháng 7-2020, TAND tỉnh Bình Định quyết định về việc bán đấu giá khối tài sản này để đảm bảo chi phí phá sản của BISUCO. Đến ngày 25-8-2020, Công ty Hợp danh quản lý thanh lý tài sản Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đối với Công ty đấu giá Hợp danh Toàn Cầu Group (Toàn Cầu Group). Tại phiên đấu giá chiều 10-12-2020 do Toàn cầu Group tổ chức ở TP Quy Nhơn, Công ty TNHH Phương Tùng Bách (Bắc Ninh) trúng đấu giá với số tiền trên 62,4 tỷ đồng. Cuối tháng 12-2020, Phương Tùng Bách chuyển tiền vào tài khoản TAND tỉnh Bình Định.
Đây được xem là những động thái mới nhất, kỳ vọng là cái kết chấm dứt chuỗi ngày mòn mỏi đòi nợ, đòi sự công bằng của hơn 300 cựu cán bộ, công nhân viên của BISUCO. Tuy vậy, số tiền bán đấu giá không thể nào bù lại được khoản nợ khổng lồ của doanh nghiệp này, từ khi ông Arunachalam Nandaa Kumar bất ngờ rời khỏi Việt Nam vào giữa năm 2018. Sau khi tuyên bố phá sản, đến tháng 12-2019, BISUCO còn nợ 23 đơn vị với tổng số tiền lên đến trên 1.000 tỷ đồng, cả gốc lẫn lãi. Trong đó, riêng khoản nợ với Cục Thuế Bình Định là 26 tỷ đồng; BHXH huyện Tây Sơn hơn 7 tỷ đồng và Công đoàn BISUCO hơn 15 tỷ đồng, gồm tiền lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp thôi việc của người lao động…
Những ngày giữa tháng 3-2021, công ty trúng đấu giá đang huy động các phương tiện cơ giới hạng nặng đến san ủi, giải tỏa khu nhà máy BISUCO, chở đống sắt vụn đi nơi khác. Một dây chuyền sản xuất mía đường từng là “cú đấm thép” của ngành mía đường Bình Định và cả khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, bây giờ chính thức xóa sổ. Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết, trên 40ha đất được UBND tỉnh Bình Định giao cho BISUCO làm khu sản xuất nguyên liệu mía từ năm 2014 tại xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) cũng chưa thể thu hồi được, đang bỏ hoang. Nạn nhân của BISUCO có các ông Nguyễn Đại Nghĩa (43 tuổi), Trương Ngọc Đức (52 tuổi), Nguyễn Quốc Bảo (50 tuổi)… và trên 300 cựu CB-CNV khác. Đa số những cựu CB-CNV của BISUCO nay tuổi đã lớn nên khi công ty phá sản, họ phần lớn không xin được việc gì khác, chịu nhiều thiệt thòi. Điều họ lo lắng là sắp tới khoản tiền bán đấu giá hơn 62 tỷ đồng từ trụ sở BISUCO phải đợi tòa án phán quyết. Tuy nhiên, sự việc có thể phải nhờ đến luật pháp quốc tế nên chuyện ở BISUCO có thể còn dùng dằng…
Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Định, hiện các đơn vị liên quan đang hoàn tất thủ tục để tiếp tục kiện người đứng tên đại diện BISUCO ra tòa án. Các tranh chấp cần phải đợi tòa án phán quyết, hoặc tòa sẽ cưỡng chế theo đúng pháp luật. “Chúng tôi thống nhất quan điểm rõ ràng, giải quyết quyền lợi cho người lao động là trên hết. Quyền lợi đến đâu giải quyết đến đó, từ bảo hiểm, lương, trợ cấp thất nghiệp… với tinh thần rốt ráo”, ông Quang nói. Còn ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Định, cho biết, đối với quyền lợi người lao động của BISUCO, trước mắt BHXH sẽ giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần cho 154 người và giải quyết lương hưu cho 5 người khác. Số CB-CNV còn lại đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm để sau này nếu đủ tuổi, đủ điều kiện họ sẽ tiếp tục hưởng các quyền lợi hoặc giải quyết trợ cấp 1 lần…