Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, sáng 7-3, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo. Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) là người đầu tiên trả lời xét hỏi của HĐXX.
Võ Tấn Hoàng Văn giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra; giữ nguyên cáo trạng, trong đó đã xác định đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo.
Võ Tấn Hoàng Văn khai trước HĐXX, bị cáo được Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) tuyển vào làm việc tại Ngân hàng SCB. Bị cáo khai do bản thân có kinh nghiệm về kế toán, 6 tháng làm Phó Chủ tịch Ủy ban Chiến lược của SCB, sau đó chuyển qua làm Phó Tổng Giám đốc SCB.
Chủ tọa hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn có phải được bị cáo Trương Mỹ Lan đưa lên vị trí Tổng Giám đốc SCB không, bị cáo Văn khai bị cáo rất ít gặp bà Trương Mỹ Lan, việc bản thân lên làm Tổng Giám đốc là từ quyết định của HĐQT SCB. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai chỉ biết bà Trương Mỹ Lan là cổ đông lớn, có ảnh hưởng lớn tới SCB.
Tuy nhiên, do trước đó bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai tại cơ quan điều tra là bị cáo được Trương Mỹ Lan đưa lên làm Tổng Giám đốc SCB nên HĐXX truy hỏi lại chi tiết này. Bị cáo Văn thừa nhận chi tiết này và nêu lý do thời điểm làm việc với cơ quan điều tra thì bản thân mới biết được bà Trương Mỹ Lan cất nhắc lên vị trí Tổng Giám đốc SCB.
Chủ tọa tiếp tục hỏi suy nghĩ của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn về việc được bị cáo Trương Mỹ Lan đưa lên vị trí Tổng Giám đốc SCB, bị cáo Văn khai trước tòa, do bị cáo biết SCB mới sáp nhập 3 ngân hàng với nhau nên đang cần người lãnh đạo có kinh nghiệm điều hành, từ đó bị cáo quyết định nhận việc.
Chủ tọa tiếp tục hỏi bị cáo Văn có phải SCB huy động tiền của dân, nhưng cho vay thì chỉ cho vay theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Lúc này, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, do thời điểm đó bản thân rất tin tưởng bà Trương Mỹ Lan; đồng thời SCB thời điểm này cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, cần một điểm tựa, cần nhiều khoản vay để làm các dự án nên bị cáo tin tưởng rằng, bà Trương Mỹ Lan sẽ giúp SCB vượt qua giai đoạn tái cơ cấu.
“Căn cứ để tin tưởng là, thứ nhất, Trương Mỹ Lan đối đãi rất quan tâm tới lãnh đạo SCB; thứ 2, Trương Mỹ Lan đầu tư vào các bất động sản rất “dài hơi”, tin tưởng vào giá trị tài sản bảo đảm, sẽ sinh lời trong tương lai…”, bị cáo Văn khai tại tòa.
Từ đây, chủ tọa tiếp tục hỏi bị cáo Văn có thấy như vậy là Trương Mỹ Lan đã biến SCB thành công cụ tài chính phục vụ cho mục đích cá nhân không. Bị cáo Văn thừa nhận là đúng và khai rằng bị cáo làm việc với tư cách là người làm thuê, không hùn hạp với Trương Mỹ Lan. Bị cáo chỉ hưởng lương, không hưởng lợi và đề nghị HĐXX xem xét lượng khung.
Bị cáo Văn cho rằng, thiệt hại trong vụ án không thể buộc những người làm thuê như bị cáo bồi thường, Trương Mỹ Lan phải là người bồi thường.
Chủ tọa tiếp tục hỏi bị cáo Văn thời điểm cuối năm khi bị cáo ký báo cáo tài chính, thấy báo cáo tài chính có phản ảnh đúng thực tế của SCB không. Bị cáo thừa nhận có. Đồng thời cho biết, căn cứ vào thiệt hại như cáo trạng nêu, bị cáo cho rằng toàn bộ thiệt hại của cáo trạng chỉ căn cứ vào định giá của Công ty Hoàng Quân. Toàn bộ tài sản của Trương Mỹ Lan là không tranh chấp, chỉ thiếu giấy tờ nên nếu định giá bằng 0 là chưa phù hợp. Bị cáo Văn tin là chỉ khi bán các tài sản đó trừ đi mới xác định được thiệt hại chính xác.
Theo cáo trạng, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) bị truy tố, xét xử về các tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo hồ sơ, Võ Tấn Hoàng Văn được Nguyễn Thị Thu Sương (Cựu chủ tịch HĐQT SCB) tuyển vào làm việc tại SCB từ tháng 7-2013 với chức vụ Phó Tổng Giám đốc. Tháng 12-2013, bà Trương Mỹ Lan đồng ý cho Võ Tấn Hoàng Văn làm Tổng Giám đốc SCB, thành viên hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở.
Đến tháng 7-2020, Võ Tấn Hoàng Văn nghỉ việc. Trước đó, mỗi khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan sẽ gọi điện thoại trao đổi với Văn về việc rút tiền từ SCB thông qua khoản vay mà Lan đã có chủ trương, chỉ đạo giải ngân tiền cho Lan sử dụng.
Võ Tấn Hoàng Văn biết số tiền sau khi giải ngân các khoản vay đứng tên các cá nhân, công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là để trả nợ cũ tại SCB, trả khoản vay ở ngân hàng khác, mua dự án mới, đầu tư vào dự án và sử dụng vào các mục đích khác của Trương Mỹ Lan, việc sử dụng tiền đều không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay.
Ngoài ra, để tránh sự kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay tại các chi nhánh SCB của Ngân hàng Nhà nước, Văn cũng ký tờ trình đề xuất để Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) ký quyết định thành lập các đơn vị mới chuyên thực hiện các hồ sơ vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Võ Tấn Hoàng Văn biết rõ các khoản vay của Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì đều có điểm chung là chỉ ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ cho vay giải ngân, rút tiền khỏi SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan mà SCB không thẩm định, nhưng Văn vẫn ký các tờ trình thẩm định, biên bản họp đồng ý cho vay.
Cơ quan điều tra xác định từ ngày 18-11-2013 đến ngày 11-12-2017, Võ Tấn Hoàng Văn đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 60.000 tỷ đồng.
Từ ngày 9-2-2018 đến ngày 25-7-2020, Văn đã ký hợp thức hồ sơ 348 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 192.000 tỷ đồng và gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 101.000 tỷ đồng.