Ngày 8-6, Ban Quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã chỉ đạo chủ đầu tư Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây là Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Khu kinh tế, công nghiệp (KT-CN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, tăng cường quan trắc nguồn nước chảy ra biển từ bãi chứa lượng bùn cát nạo vét (khoảng 870.000m3) từ hạng mục móng đê. Đồng thời mở luồng lạch mới, tạo môi trường không khí tại khu vực này trong quá trình thi công Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây (Báo SGGP ngày 5-6 đã thông tin).
Mặt khác, yêu cầu chủ đầu tư tăng cường giám sát việc thi công của các nhà thầu phải đúng quy trình và báo cáo theo định kỳ. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, vào đầu tháng 5-2018, khoảng 5,4ha tôm của người dân thả nuôi ở khu vực phía trong cửa biển Lạch Giang (cách bãi chứa bùn cát nạo vét khoảng 500m) bị chết bất thường. Hiện chưa có kết luận chính xác nhưng người dân cho rằng do nước thải ra từ bãi chứa bùn và các tạp chất, theo thủy triều xâm nhập vào khu vực hồ nuôi tôm, làm tôm bị ngộp và chết.
Theo ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Khu KT-CN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, muốn thi công Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây bắt buộc phải lấy đi lớp cát và bùn yếu ở phía dưới. Ngoài ra, đê chắn sóng cắt ngang luồng lạch hiện hữu nên buộc phải nạo vét và tạo một luồng mới để tàu biển ra vào cảng Chân Mây. Khu vực chứa bùn cát từ dưới biển đẩy lên đã quy hoạch thành bãi chứa để phục vụ công trình, với tổng diện tích 42ha. Vật chất nạo vét chỉ có cát và bùn, hoàn toàn không có vật liệu xây dựng nào khác.