Vụ Trương Mỹ Lan và đồng phạm: VKS cung cấp bằng chứng hành vi thao túng SCB của Trương Mỹ Lan

Ngày 1-4, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm, đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại tòa đã tiến hành đối đáp lại quan điểm của các bị cáo và luật sư.

Đại diện VKS đã tổng hợp và chia ra thành các nhóm vấn đề để đối đáp. Về nhóm vấn đề đánh giá hậu quả thiệt hại vụ án, theo đại diện VKS, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB là một công cụ tài chính nhằm huy động vốn để sử dụng cho mục đích cá nhân. Khác với các vụ án vi phạm quy định của ngân hàng khác, việc đưa tài sản bảo đảm vào chỉ là một phương thức phạm tội để rút tiền, tài sản bảo đảm đưa vào có thể rút ra, hoán đổi bất cứ lúc nào, việc này còn tiếp diễn và chỉ dừng lại khi khởi tố vụ án.

Hậu quả hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 677.000 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc và lãi/phí. Đại diện VKS cho rằng, việc trưng cầu định giá tài sản trong tố tụng hình sự không phải là một biện pháp bắt buộc theo quy định của luật.

z5304340033482_756f973236065d78e0f91a0928c6e4c0.jpg
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Căn cứ để xác định hậu quả vụ án không nhất thiết phải trưng cầu định giá tài sản mà trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng biện pháp điều tra thu thập chứng cứ khác theo điều 88 Bộ Luật tố tụng Hình sự. Kết quả điều tra đã xác định thiệt hại là hơn 677.000 tỷ đồng là phù hợp với hồ sơ tín dụng, hồ sơ sổ sách SCB, phù hợp với lời khai và kết quả kiểm toán độc lập của Công ty kiểm toán KPMG.

Đại diện VKS khẳng định, các cơ quan tiến hành tố tụng không căn cứ vào kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân mà áp dụng các biện pháp điều tra thu thập chứng cứ như đã nêu ở trên. Nếu VKS căn cứ vào kết quả của Công ty Hoàng Quân thì mức án đề nghị đối với các bị cáo đã khác với hiện nay.

Kiểm sát viên cũng lưu ý, việc xác định thiệt hại vụ án bằng việc lấy dư nợ trừ đi giá trị tài sản đảm bảo đủ điều kiện có được HĐXX chấp nhận hay không thì thuộc về thẩm quyền của HĐXX.

Về hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện VKS nhận định, quan điểm của bị cáo và luật sư rằng bị cáo Lan không có chức vụ quyền hạn tại SCB, không phải chủ thể của tội tham ô tài sản, chỉ có HĐQT ngân hàng mới có quyền quyết định… là chưa phù hợp với các quy định tại Luật doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng, không phù hợp với các chứng cứ trong hồ sơ và kết quả thẩm tra tại tòa.

z5304269956292_f197383ae4ee69a6b46db5a6c33344cd.jpg
Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng 1-4. Ảnh: CAO THĂNG

Quá trình điều tra đã xác định rõ hành vi thâu tóm, sở hữu, chi phối hơn 91% cổ phần tại SCB. Lời khai và bản kê theo dõi tình hình biến động cổ đông của Tạ Chiêu Trung (cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), bao gồm cả số cổ phần của 5 pháp nhân nước ngoài, lời khai của những người đứng tên cổ phần, lời khai của nhân viên Việt Vĩnh Phú; lời khai các cựu lãnh đạo SCB như Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung… đã thể hiện rõ vấn đề này.

Ngoài ra, quá trình điều tra, 2 phó tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát đã giao nộp cho cơ quan chức năng 6 sổ chứng nhận sở hữu cổ phần bản gốc của Công ty Việt Vĩnh Phú và 5 pháp nhân nước ngoài tìm thấy tại phòng làm việc của bị cáo Lan ở trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM).

Đại diện VKS lập luận, theo quy định của luật doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông là có quyền quyết định lớn nhất, HĐQT chỉ là cơ quan quản lý công ty do đại hội đồng cổ đông bầu ra. Việc Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối hơn 91% cổ phần SCB đã cho thấy sự chi phối ngân hàng này của bị cáo, từ đó chỉ ra quan điểm của các luật sư là chưa phù hợp.

z5285822053551_e241be669a4d1f043585bcbf51393268.jpg
Đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa. Ảnh: CAO THĂNG

Thực tế khách quan cũng chỉ ra việc bị cáo Trương Mỹ Lan đã bố trí người thân vào làm lãnh đạo chủ chốt của SCB. Dù bị cáo không thừa nhận nhưng khi trả lời về quá trình hoạt động của SCB thì bị cáo nhớ rất rõ từng bị cáo làm lãnh đạo ở SCB thời gian nào, ai nghỉ việc hay luân chuyển công tác đều báo cáo bị cáo.

Đại diện VKS khẳng định, qua nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án thì khẳng định Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản mà dùng thủ đoạn đưa tài sản vào để tạo lập khoản vay mới, lấy tiền thực hiện các nghĩa vụ tài chính trước khi hợp nhất 3 ngân hàng thành SCB. Lời khai của các bị cáo Lê Khánh Hiền (cựu Tổng Giám đốc SCB), Võ Văn Tường (Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB), Phạm Văn Phi (cựu Phó Tổng giám đốc SCB) và một số bị cáo khác đã nói rất rõ nội dung này.

Đại diện VKS tiếp tục đối đáp các vấn đề khác liên quan tới thủ đoạn phạm tội của Trương Mỹ Lan, các hành vi đưa – nhận hối lộ của các bị cáo…

Tin cùng chuyên mục