Ngày 22-3, phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm tiếp tục với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo. Các luật sư đã bào chữa cho nhóm bị cáo giúp Trương Mỹ Lan quản lý thu chi tiền được rút ra từ SCB; lên phương án, phối hợp giải quỹ các khoản vay được SCB giải ngân.
Bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương, luật sư nhận định, VKS đề nghị mức án 19-20 năm tù về tội “Tham ô tài sản” đối với thân chủ của mình là quá nghiêm khắc, nặng nề. Theo luật sư, trong nhóm bị cáo phạm tội tham ô tài sản, bị cáo Hồ Bửu Phương không biết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng số tiền vay từ SCB rồi sử dụng vào mục đích gì.
Theo luật sư, bị cáo Hồ Bửu Phương không tham gia xuyên suốt trong quá trình giải ngân, chỉ là một phần “mắt xích” trong đường dây rút tiền, chiếm đoạt của Trương Mỹ Lan. Vì vậy, bị cáo Hồ Bửu Phương không dùng thủ đoạn “tinh vi”, không phải tội phạm có tổ chức… như luận tội của VKS.
Luật sư cho rằng, bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) gửi file danh sách các khoản vay, toàn bộ quá trình Nguyễn Phương Anh báo cáo, còn quá trình giải quỹ là bộ phận khác làm. Hồ Bửu Phương chỉ làm việc chuyên môn, không liên quan đến vai trò giải quỹ.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương nói: “Tôi xin lỗi chị Trương Mỹ Lan, vì chị là người chỉ đạo tất cả các chuỗi giải quỹ, rút tiền ra”.
Tự bào chữa, bị cáo Hồ Bửu Phương trình bày: “Bị cáo đọc cáo trạng thì nhìn tổng thể hành vi của bị cáo không quá nghiêm trọng, nặng nề. Nhưng khi VKS đề nghị bị cáo 19–20 năm, bị cáo không biết phải nghĩ gì nữa, không biết tại sao nữa. Thời gian tạm giam bị cáo chưa được gặp gỡ gia đình, rất muốn gặp gia đình. Nhưng bị đề nghị xong, bị cáo không dám gặp con, vì xấu hổ”.
Bị cáo xin HĐXX cân nhắc xem xét lời bào chữa của hai luật sư đối với bị cáo, để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Theo cáo trạng, từ năm 2013 đến 31-7-2020, ngoài các nhiệm vụ chuyên môn về tài chính, Hồ Bửu Phương còn được Trương Mỹ Lan chỉ đạo, giao nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân liên quan lên phương án giải quỹ đối với số tiền đã được SCB giải ngân. Để giải quỹ, các bị cáo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó, các công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân (được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của công ty “ma” khác).
Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần và chuyển tiền, các cá nhân sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền; Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chi hoạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan thuế, cơ quan thanh tra kiểm tra phát hiện sai phạm.