Sự phát triển tiếp theo của Internet
Theo nhà đồng sáng lập Mark Zuckerberg, tên gọi Facebook Inc. hiện nay chỉ liên quan đến một sản phẩm mà “không thể hiện được hết những gì chúng tôi đang làm và sẽ làm trong tương lai”. Meta còn hướng đến tham vọng metaverse (siêu vũ trụ), được thể hiện qua logo của Meta, màu xanh dương, theo hình số 8 nằm ngang, tượng trưng cho vô cực trong toán học. Trong thế giới được Mark Zuckerberg gọi là tương lai của Internet, nhân vật đại diện (avatar) của người sử dụng có thể tương tác, làm việc với nhau và giải trí nhờ vào công nghệ như kính thực tế ảo.
Tỷ phú người Mỹ khẳng định, màn hình không thể truyền tải được cảm xúc sâu sắc như sự hiện diện của một người, nhưng vũ trụ ảo sẽ đạt được mục tiêu đó và trong tương lai, các avatar sẽ trông giống người thật hơn. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg trấn an rằng, người sử dụng sẽ không trở thành tù nhân của một thế giới hay một nền tảng tin học. Từ giờ đến 10 năm nữa, vũ trụ ảo có thể có 1 tỷ người sử dụng, tạo ra vài trăm tỷ USD thương mại trực tuyến và vài triệu việc làm cho các nhà sáng tạo, lập trình viên. Meta sẽ đầu tư nhiều tỷ USD trong những năm tới và tuyển khoảng 10.000 người ở châu Âu để thực hiện dự án.
Với metaverse, mọi người có thể dạo chơi với bạn bè, làm việc, tham quan các địa điểm, mua hàng hóa và dịch vụ, tham dự sự kiện. Mặc dù thế giới ảo tồn tại trực tuyến nhưng người dùng lại không thể di chuyển giữa các thế giới ảo này, vì không nắm giữ được danh tính và tài sản của họ. Metaverse lại có thể giải quyết vấn đề này, biến các thế giới trực tuyến khác nhau thành một thực thể liền mạch, duy nhất. Metaverse thậm chí còn được mệnh danh là sự phát triển tiếp theo của Internet.
Các thế giới ảo như vậy sẽ được hỗ trợ bởi blockchain khi công nghệ này làm nền tảng cho tiền điện tử và NFT (Non-fungible token) - mã xác thực quyền sở hữu cho một tài sản số, do đó cho phép người dùng giao dịch các tài sản ảo này. NFT có thể được sử dụng để đại diện cho một vật phẩm kỹ thuật số vô hình như hình ảnh, video hoặc mã thông báo trong trò chơi, do đó có thể được giao dịch thay cho tài sản kỹ thuật số mà chúng đại diện. Một trường hợp sử dụng khác cho NFT là vé cho các sự kiện ảo. Nói tóm lại, trong metaverse, mọi thứ đều có thể được giao dịch.
Hấp dẫn về mặt thương mại
Theo các chuyên gia, ý tưởng tạo ra một vũ trụ số không phải là mới. Nó luôn tồn tại trong các trò chơi và trên các trang web. Nhưng cơn sốt tài sản kỹ thuật số được thúc đẩy bởi NFT đang thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa kỹ thuật số, các nền tảng cung cấp thực tế ảo và tăng cường, giúp làm cho trải nghiệm ảo giống với thực tế hơn.
Một trong những thế giới ảo phổ biến nhất - Decentraland, có tiền điện tử gốc Mana và những mảnh đất chính trên đó đã được bán với giá lên đến 1 triệu USD. Theo dữ liệu mà nền tảng này chia sẻ với Economic Times (ET), hiện có 80.000 người dùng hoạt động hàng tháng, gấp 10 lần so với thời điểm này năm ngoái. Thật ngẫu nhiên, quỹ Venkateswaran và Sundaresan chuyên về tiền điện tử, được gọi là Metapurse, là chủ sở hữu bất động sản lớn nhất ở Decentraland. Monish Darda, Giám đốc công nghệ (CTO) của Công ty khởi nghiệp quản lý phần mềm Icertis, cho biết, 2 yếu tố đằng sau sự gia tăng mối quan tâm hiện nay đối với metaverse là: sự ảo hóa cuộc sống do đại dịch gây ra và những tiến bộ công nghệ cho phép các nền tảng như thế này.
Trong những tháng gần đây, metaverse đã thu hút được sự chú ý rộng rãi do sự bùng nổ của NFT và điều này đã được CEO Facebook Mark Zuckerberg chứng thực. Trong 30 ngày qua, Nonfungible.com cho hay, các NFT trị giá tới 2,1 tỷ USD đã được bán trên toàn thế giới. Trang web này cũng đã định giá danh mục đầu tư NFT của Metapurse là gần 190 triệu USD.
Vượt khỏi tầm kiểm soát
Dường như Facebook cũng không thực sự làm chủ được các mã tin học cho phép tự động kiểm tra bài đăng của 3,5 tỷ người sử dụng. Lý do là sự phức tạp của các hệ thống được Facebook phát triển mỗi năm có lẽ đã gây ra những hệ quả không kiểm soát được và không thể đoán được về những bài viết của người sử dụng trên khắp thế giới.
Điều này giải thích cho việc Facebook cũng bị lợi dụng vào mục đích xấu như: các băng đảng ở Mexico chiêu dụ người mới, đào tạo hay tuyển sát thủ; các mạng lưới mại dâm chào mời khách; hay các nhóm tôn giáo cực đoan và chính trị kêu gọi tàn sát… Thông báo đổi tên của Facebook diễn ra đúng lúc công ty này đang phải đối mặt với những cáo buộc mới vì cố tình phớt lờ những hậu quả gây ra cho con người, xã hội và chính trị để thu hút tối đa sự chú ý của người sử dụng, đảm bảo kinh tế.
Cuối tháng 10-2021, Facebook thừa nhận với các cổ đông là đang bị nhắm đến trong “nhiều cuộc điều tra” của Chính phủ Mỹ. Công ty của Mark Zuckerberg liên tục bị cáo buộc không bảo vệ dữ liệu cá nhân người sử dụng, trong đó phải kể đến vụ Cambridge Analytica năm 2018 tự ý thu thập dữ liệu của 87 triệu người sử dụng Facebook nhằm mục đích bầu cử. Sau đó, Facebook đã đạt được một thỏa thuận với Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) và chịu nộp phạt khoản tiền kỷ lục 5 tỷ USD. Chính FTC đang nghiên cứu những tài liệu mới được tiết lộ, theo đó doanh nghiệp tự thừa nhận những tác động tiêu cực trong các sản phẩm của mình. Điều này vi phạm thỏa thuận được ký trước đó giữa hai bên.
Thế giới ảo của Facebook đã đầy rẫy khó khăn và sai lầm, liệu vũ trụ ảo có được hoàn hảo và siêu việt như kỳ vọng của Mark Zuckerberg?