Ngày 13-2, Hàn Quốc tiết lộ nước này đang xem xét phóng thử một tên lửa đạn đạo sau vụ Triều Tiên phóng một tên lửa tầm trung hôm 12-2. Ngoài ra, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cũng sẽ đẩy nhanh tiến trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc.
Ăn miếng trả miếng
Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói: “Đáp lại vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 12-2, chúng tôi đang xem xét các biện pháp để làm dịu các mối lo ngại an ninh và chứng tỏ quyết tâm trả đũa bất kỳ hành động gây hấn nào của Triều Tiên''. Nguồn tin này cũng cho biết, quân đội đang xem xét việc phóng tên lửa loại Hyunmoo-2A có tầm bắn trên 300km hay loại Hyunmoo-2B có tầm bắn trên 500km, rồi công bố ảnh hay băng hình về vụ phóng.
Theo quan chức trên, hiện trong quân đội Hàn Quốc đang có ý kiến cho rằng sẽ tốt hơn nếu họ công bố cảnh phóng loại tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn lên tới 800km và đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ chuẩn bị triển khai ở Hàn Quốc
Tên lửa Hyunmoo đóng vai trò cốt lõi trong kế hoạch trừng phạt và trả đũa ồ ạt của Hàn Quốc (KMPR) nhằm trực tiếp vào ban lãnh đạo quân sự của Triều Tiên, với mục đích vô hiệu hóa các nhân vật và cơ sở chủ chốt nếu xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng về việc vũ khí hạt nhân sắp được sử dụng.
Theo Reuters, quân đội Hàn Quốc ngày 13-2 cho biết tên lửa mà Triều Tiên phóng hôm 12-2 đã sử dụng phương pháp phóng lạnh. Một nguồn tin quân sự của Hàn Quốc nói rằng, tên lửa của Triều Tiên là loại tên lửa tầm trung mới, sử dụng nhiên liệu rắn và áp dụng công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Trong khi đó, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ thử tên lửa Pukguksong-2, một loại vũ khí chiến lược mới của nước này có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân.
Báo Korea Times ngày 13-2 dẫn lời các nhà phân tích nói rằng, việc Triều Tiên thử tên lửa có thể đẩy nhanh tiến trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Điều này sẽ gây căng thẳng trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, do Bắc Kinh xem việc triển khai THAAD là mối đe dọa an ninh của Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến kinh tế Hàn Quốc. Trung Quốc đã đe dọa trả đũa kinh tế trước việc triển khai THAAD, bao gồm cả việc hủy bỏ các sự kiện văn hóa và siết chặt hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc. Han Jae-jin, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Hyundai, nói rằng Bắc Kinh có thể mở rộng các hành động trả đũa với các ngành sản xuất của Hàn Quốc, trong đó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Hàn Quốc.
HĐBA LHQ nhóm họp
Ngày 13-2, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này sẽ tiếp tục đề nghị Trung Quốc, với tư cách là một ủy viên có trách nhiệm của HĐBA LHQ, gây sức ép đối với Triều Tiên để Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Theo đề nghị của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, HĐBA LHQ triệu tập phiên họp khẩn vào chiều 13-2 (giờ tại New York) để thảo luận về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Theo Reuters, ngày 13-2, cộng đồng thế giới tiếp tục lên án vụ thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã lên án việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và kêu gọi nước này ngừng các hành động gây căng thẳng mới. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chỉ trích việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, khi khẳng định đây là bước đi “khiêu khích và không thể chấp nhận được”, đồng thời là một sự vi phạm nữa đối với nghị quyết của HĐBA LHQ.
Tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, ngày 13-2, cho biết Bắc Kinh phản đối các vụ thử tên lửa của Triều Tiên vốn đi ngược lại các nghị quyết của LHQ.
KHÁNH MINH (tổng hợp)