Theo Thượng tá Nguyễn Sơn, trước đó ông Lê Tùng Vân có liên hệ với công an xã Hoà Khánh Tây đề nghị tiếp tục gia hạn tạm trú và làm căn cước công dân. Tuy nhiên, chủ hộ là bà Cao Thị Cúc - nơi ông Lê Tùng Vân yêu cầu tạm trú cũng nằm trong vụ án này và hiện đã bị tạm giam, chưa đồng ý nên công an địa phương chưa thể thực hiện việc gia hạn thủ tục tạm trú theo quy định.
Trước đó, ngày 7-6, bị can Lê Tùng Vân mặc dù đang phải chịu biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng trong thời gian này, ông Lê Tùng Vân vẫn tự ý rời nơi cư trú để đến trụ sở Công an quận 6, TPHCM yêu cầu làm căn cước công dân, do hộ khẩu của bị can đăng ký tại địa phương này. Sau đó, ông Lê Tùng Vân bị công an phát hiện và đưa trở lại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa. Việc ông này rời nơi cư trú được nhận định chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, nên hiện nay công an vẫn tiếp tục giám sát, không cần thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Trước đó, cáo trạng được Viện KSND tỉnh Long An chuyển về TAND huyện Đức Hòa vào ngày 10-6. Hiện TAND huyện đang phân công thẩm phán nghiên cứu và sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử. Theo hồ sơ, 6 bị can bị đề nghị truy tố, gồm: Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi), Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) và Cao Thị Cúc (62 tuổi, chủ căn hộ tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa).
Các bị can bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.