Sau khi có kết quả kiểm định, Sở NN-PTNT Gia Lai đã tổ chức lấy ý kiến các sở ngành liên quan. Theo đó, Sở KH-ĐT tỉnh Gia Lai cho rằng, báo cáo kết quả kiểm định chất lượng hệ thống kênh dẫn nước thuộc dự án Thủy lợi Pleikeo chỉ mới đánh giá và kết luận về độ chặt đắp đất, cường độ bê tông hiện trường, cốt thép... Sở KH-ĐT đề nghị kiểm tra lại đề cương kiểm định công trình, xác định rõ mục tiêu, nội dung thực hiện kiểm định đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hay chưa. Ngoài ra, báo cáo kiểm định công trình thủy lợi Pleikeo phải có kết quả khảo sát, đánh giá, xác định mức độ, nguyên nhân hư hỏng, sự cố công trình và đưa ra các giải pháp, kiến nghị xử lý...
Liên quan thủy lợi Suối Đá (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) chưa đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT (Sở NN-PTNT Đắk Nông, đơn vị chủ đầu tư dự án), cho biết, chỉ có 6ha không được hưởng lợi do kênh dẫn nước từ đập tràn về nhưng khu vực trên quá cao buộc phải thi công đường kênh thấp hơn mặt ruộng nhằm đảm bảo cung cấp cho toàn cánh đồng hơn 60ha bên dưới. “Đối với diện tích kênh đi qua thấp hơn mặt ruộng, chúng tôi sẽ thiết kế những hố thu nước để phục vụ cho người dân. Bên cạnh đó, sau khi công trình hoàn thành chúng tôi sẽ mở tuyến kênh khác cung cấp nước riêng cho khu vực này”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Về việc thủy lợi Suối Đá nằm trong nhóm dự án cấp bách nhưng liên tục chậm tiến độ, trước đó, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã đi kiểm tra và yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông phải hoàn thiện các hạng mục điều chỉnh dự án trước ngày 15-4-2021. Quá trình điều chỉnh dự án, Sở NN-PTNT không được tăng mức đầu tư, chỉ sử dụng các nguồn vốn dự phòng hoặc các nguồn vốn từ trong giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, ông Yên cũng chỉ đạo chủ đầu tư và đơn vị thi công phải tập trung đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm đưa công trình vào vận hành thử nghiệm, chậm nhất đến ngày 30-6-2021.
Như Báo SGGP đã phản ánh, thủy lợi Pleikeo và thủy lợi Suối Đá có tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, khi xây dựng đã xảy ra hư hỏng cũng như phần kênh dẫn xây thấp hơn mặt ruộng khiến nước không tự chảy vào ruộng, gây khó khăn cho dân.