Trưa cùng ngày, Cơ quan điều tra Công an quận 1 đã tiến hành khám xét nơi làm việc của bị can Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh án TAND quận 4.
Xác định chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà
Theo hồ sơ tài liệu mà các bên đưa ra, có thể khẳng định, cho đến nay người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất; người được cấp giấy phép xây dựng, bị xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế về hành vi xây dựng sai phép đều mang tên bà Hoàng Trọng Anh Chi (SN 1982, địa chỉ thường trú 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1 - bên bán).
Theo hợp đồng mua bán được ký ngày 10-10-2017, bà Hoàng Trọng Anh Chi chuyển nhượng cho bà Hoàng Thị Thu Thảo (SN 1983) toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm với giá 25 tỷ đồng, thanh toán làm 4 đợt.
Điều 2 hợp đồng ghi rõ: “Đợt 1, đặt cọc 1 tỷ đồng để bên bán ngừng giao dịch với các khách mua khác và chờ hoàn tất việc hoàn công - hợp thửa để ra sổ hồng theo giấy phép xây dựng. Khi đó bên mua sẽ được trực tiếp can thiệp vào các bước triển khai thi công còn lại (điểm 5.1 của hợp đồng ghi nhận công trình đã hoàn thành được 80%) với nhà thầu xây dựng. Đợt 2, đặt cọc 6 tỷ đồng để bên mua trả ngân hàng để lấy sổ hồng ra làm hợp thửa và hoàn công ra sổ mới (vì giấy tờ nhà đang thế chấp ngân hàng - PV). Đợt 3, thanh toán 17,5 tỷ đồng ngay sau khi hai bên hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng và bàn giao các giấy tờ nhà hợp lệ cho bên mua. Đợt 4, thanh toán 500 triệu đồng khi hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế…”
Dự kiến, bà Chi sẽ hoàn công công trình trong tháng 12-2017, nếu cần thì gia hạn thêm, nhưng không quá 1 tháng. Thế nhưng, theo đơn tố cáo của bà Thảo, sau khi thanh toán đợt 2, bà Chi nhận sổ từ ngân hàng nhưng không tiến hành các thủ tục hợp thửa, hoàn công. Bà Thảo cho biết đã bỏ thêm hơn 4 tỷ đồng để hoàn thiện công trình đến 90% nhưng bà Chi “vẫn không hợp tác giải quyết”. Bà Thảo đã khởi kiện ra TAND quận 1 nhưng ngày 10-10-2018 tòa đã ký Quyết định số 123/2018/QĐST-DS tạm đình chỉ vụ án vì “cần đợi kết quả thu thập chứng cứ của UBND quận 1”.
Trong khi đó, công trình này đã xây dựng sai phép, bị Thanh tra Sở Xây dựng ra Quyết định 262/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc bà Chi - chủ sở hữu hợp pháp công trình - thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả việc xây dựng sai phép lấn ban công làm phòng từ tầng 1 đến tầng 5, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép xây dựng.
Ai xâm phạm chỗ ở của ai?
Ngày 8-1-2019, tại Văn phòng công chứng Dương Đức Hiếu, bà Chi đã chứng thực việc bà ủy quyền cho ông Lâm Hoàng Tùng (SN 1991, là giảng viên Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM) được toàn quyền thay mặt và nhân danh bà để thực hiện nhiều thủ tục, trong đó có việc nộp và nhận hồ sơ xin điều chỉnh giấy phép xây dựng, ký các biên bản với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng công trình và “giải quyết các tranh chấp pháp lý có liên quan đến công trình nhà 29 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm”.
Ngoài ra, ông Lâm Hoàng Tùng còn cung cấp hợp đồng chứng minh việc góp vốn với bà Chi mua và xây dựng căn nhà này, với số tiền 9 tỷ đồng. Do vậy, ông Tùng đã mời Thừa phát lại đến lập vi bằng, lấy lại nhà để tự khắc phục tháo dỡ phần vi phạm theo quyết định của Sở Xây dựng.
Trong quá trình lấy lại nhà (kéo dài từ trưa đến tối) thì bà Thảo không có nhà, nhưng có người giúp việc, một số khách nước ngoài thuê nhà, ông Tùng và ông Nam có hành vi bế 3 bé nhỏ con bà Thảo ra khỏi nhà nên bị cho rằng có hành vi “bắt cóc”. Tuy nhiên, sau đó Công an quận 1 khởi tố 2 ông này tội “Xâm phạm chỗ ở người khác”.
Do vậy, dư luận thắc mắc về việc 2 người này có phạm tội “Xâm phạm chỗ ở người khác” hay không khi được bà Chi (chủ sở hữu hợp pháp tài sản) ủy quyền; và việc tiếp quản công trình sai phạm để khắc phục này là thực hiện theo biên bản của UBND phường và quyết định của Thanh tra Sở Xây dựng? Phía Công an quận 1 cho rằng, tháng 3-2019, bà Thảo cùng gia đình vào cư trú tại nhà này.
“Việc bà Thảo vào ở trong căn nhà xuất phát từ sự thỏa thuận và có sự đồng ý của bà Chi và cơ quan điều tra có căn cứ xác định căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ ở của gia đình bà Thảo” - theo Công an quận 1. Nhưng đến nay các bên vẫn chưa đưa ra tài liệu về biên bản giao nhà hay giấy đăng ký tạm trú.
Luật sư Phạm Hoàn Phúc (Đoàn Luật sư TPHCM) nêu ý kiến, theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 thì hành vi xâm phạm là buộc người khác ra khỏi chỗ ở “hợp pháp” của họ; hay tự ý xâm phạm chỗ ở mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý “hợp pháp”… Như vậy, bà Thảo đang ở nhà do bà Chi đứng tên, công trình đang bị cưỡng chế; bà Thảo chưa có bất cứ thủ tục pháp lý nào sở hữu hợp pháp căn nhà hay được cho thuê, cho ở nhà. Bà Thảo chưa hoàn thành thủ tục mua bán nhà, chưa được bàn giao để ở (chỉ bàn giao công trình để hoàn thiện) cũng như chưa được sự cho phép của chủ nhà (vì hộ khẩu bà Chi vẫn còn ở địa chỉ này, người khác muốn tạm trú phải có sự đồng ý của chủ nhà). Do vậy, dư luận đang đặt câu hỏi “Ai xâm phạm chỗ ở của ai?”.