Chiều 26-6, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp công bố kết quả cuối cùng của Tổ Thẩm định - Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định về 17 tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67.
Doanh nghiệp cố tình thực hiện không đúng hợp đồng
Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Công an tỉnh, các cơ quan liên ngành và 17 chủ tàu vỏ thép đã có đơn kiến nghị tàu hư hỏng hồi đầu tháng 4-2017.
Ông Trần Xuân Phúc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, Tổ trưởng Tổ thẩm định báo cáo kết quả thẩm định đã chỉ ra những sai trái các doanh nghiệp cố tình thay, lắp không đúng hợp đồng, kém chất lượng…
Ông Bùi Hữu Hùng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ khắc phục các sự cố theo chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) và UBND tỉnh Bình Định.
Lãnh đạo các địa phương có tàu các bị hư hỏng, kiến nghị thêm và yêu cầu các doanh nghiệp phải bồi thường các thiệt hại, kinh phí nằm bờ của ngư dân.
Doanh nghiệp khẩn trương khắc phục sớm nhất cho ngư dân
Ông Trần Huy Giáp - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định cho biết: Sự cố tàu vỏ thép NĐ 67 hư hỏng tại Bình Định đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh bắt của ngư dân, gây tâm lý hoang mang và bức xúc dư luận.
Ông Giáp nói thêm, sự cố này sẽ khiến các ngư dân chưa tham gia e ngại, không muốn tham gia đóng tàu cá NĐ 67 nữa. Thời gian vừa qua, Công an tỉnh đã vào cuộc, phối hợp với các đơn vị giám sát cùng Tổ Thẩm định, về hợp đồng kinh tế thì chặt chẽ, thế nhưng khâu thực hiện lại chưa đúng. Tới đây, công tác khắc phục sẽ rất khó khăn nên ngư dân vẫn là người phải chịu thiệt thòi nhất.
Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trốn trách nhiệm
Trước đó, dù UBND tỉnh Bình Định đã mời Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (doanh nghiệp đã đánh tráo vỏ thép Trung Quốc trên tàu ngư dân), nhưng doanh nghiệp này không tham dự.
Từ trước, doanh nghiệp này cũng đã tỏ thái độ trốn trách nhiệm, không có bất cứ động thái nào để cùng chính quyền "gỡ rối" cho ngư dân.
Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Những ngư dân đóng tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương trong ngày mai có thể gửi đơn khởi kiện doanh nghiệp này lên các cơ quan chức năng. UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NN&PTNT cùng với Công an tỉnh kiểm tra lại các công ty này, hoàn tất các hồ sơ để giúp ngư dân khởi kiện lên tòa án.
Trả lời báo chí, ngư dân Nguyễn Văn Lý (SN 1963, ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) - chủ tàu vỏ thép BĐ 99004-TS (811 CV) cho biết: "Tàu của tôi được đóng mới theo NĐ 67, do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng với giá 15,9 tỷ đồng. Tàu hạ thủy, ra khơi được 5 chuyến thì bị hư hỏng lưới, do lưới cuốn vào chân vịt".
Kết quả của Tổ Thẩm định cho hay, tàu của ông Lý là một trong những tàu không đạt thép thường cấp A theo QCVN 21:2010/BGTVT; mà là thép Trung Quốc kém chất lượng.
Ông Lý cho biết, trong ngày mai sẽ gửi hồ sơ khởi kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và các ban, ngành địa phương đều thống nhất cao với kết quả của Tổ Thẩm định, cũng như những kiến nghị của Sở NN&PTNT Bình Định.
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (vắng mặt trong cuộc họp) phải tập trung khắc phục mọi sự cố hư hỏng trên tàu. Về máy chính và máy phụ phải thay lại mới 100%; vỏ thép nếu đã đảm bảo loại A thì phải đưa lên sơn, khắc phục đúng yêu cầu, khắc phục toàn bộ thiết bị hàng hải...
Đồng thời, bồi thường kinh phí nằm bờ, lãi suất ngân hàng cho các chủ tàu gặp sự cố.
UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương để thành lập tổ công tác, tiến hành giám sát việc khắc phục của các doanh nghiệp tới đây. Kinh phí hoạt động của tổ này do các doanh nghiệp để xảy ra sai phạm chi trả toàn bộ .
Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị ngân hàng vào cuộc tích cực, tìm phương án “gỡ rối” cho ngư dân; giãn nợ, giải quyết nợ xấu cho các chủ tàu để họ vượt qua khó khăn.