Theo ông Phúc, hiện UBND tỉnh Bình Định đang mời chuyên gia hàng đầu về để tư vấn, rồi mới quyết định khắc phục.
Thế nhưng, trong một buổi làm việc trước đó với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định và 5 ngư dân. Ông Lê Văn Thục, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đại Nguyên Dương cho rằng, trong số 80 tấn thép để đóng 5 tàu cá vỏ thép của ngư dân có 60 tấn thép Trung Quốc và 20 tấn thép Hàn Quốc đạt MAC A. Ông Thục đưa ra tuyên bố, nếu để doanh nghiệp này tháo thép ra thay lại thì công ty sẽ kiện lại Bộ NN-PTNT. “Chúng tôi sẽ chờ để làm rõ yếu tố mangan trong thép, nếu nói mangan chưa đủ phải tháo cả thép ở con tàu ra để thay, ngay cả khi ngư dân không đồng ý cho thay thép chúng tôi cũng không nghe. Chúng tôi sẽ đưa các tàu này về Công ty Đại Nguyên Dương (Nam Định) rồi tháo sạch 5 con tàu để thay thế, chứ không phải ở cảng Tam Quan vì điều kiện lao động, kỹ thuật ở đây không đảm bảo. Sau đó, chúng tôi sẽ kiện Bộ NN-PTNT vì trước đó, chính đơn vị này cắt mẫu kiểm tra cho chúng tôi đóng, giờ lại bắt chúng tôi phải tháo thép ra thay lại. Còn đối với 5 ngư dân, chúng tôi có đầy đủ chứng lý, số liệu để nói chuyện. Nếu hai bên thỏa thuận với nhau đến tháng thứ 4 mà không được nữa thì chính công ty sẽ làm hồ sơ gửi ra tòa án Hà Nội để kiện 5 ngư dân này…”, ông Thục nói.
Đầu tháng 8-2017, trả lời phóng viên Báo SGGP, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định thông tin, trước đó Công ty Đại Nguyên Dương đã thuê Công ty Vinacontrol (chi nhánh Quy Nhơn) cùng phối hợp với các đơn vị liên quan cắt 10 mẫu thép ở boong, đáy của 5 tàu vỏ thép hư hỏng, gỉ sét nặng (do doanh nghiệp này đóng) để gửi mẫu ra Hà Nội kiểm tra. Kết quả, theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định có 7 mẫu/4 tàu vỏ thép không đạt MAC A. Theo báo cáo của cơ quan đăng kiểm (Bộ NN-PTNT) trong 5 thành phần hóa tính của 7 mẫu thép trên, có 1 thành phần không đạt (thiếu mangan). Cơ quan này cũng đã khẳng định, 5 con tàu trên đều có nguyên gốc MAC A.
Tại buổi làm việc với chính quyền Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Mangan là thành phần rất quan trọng, nếu thiếu nó sẽ dẫn đến quá trình ôxy hóa rất nhanh. Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng nhấn mạnh thêm, về vật liệu đóng tàu, đặc biệt là thép phải đảm bảo đồng bộ. Kết cấu phân tử của thép rất khác với kết cấu phân tử của các loại khác, vì vậy việc thay thế theo phương án của nhà máy cần phải tính toán, xem xét lại. Qua đó, Bộ NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định thuê chuyên gia hàng đầu Việt Nam về để tư vấn tự quyết định phương án khắc phục thép đối với 4 tàu vỏ thép không đạt MAC A trên.