Tại buổi họp công bố kết quả của Tổ thẩm định Bình Định có sự tham gia giám sát của ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cùng các ban ngành chức năng trong đó có cơ quan đăng kiểm. Bên phía thành phần liên quan có ngư dân, chủ tàu bị hư hỏng, đại diện cơ sở đóng tàu đã lắp máy cho ngư dân.
Dư luận thắc mắc, tại sao Trung tâm đăng kiểm đã làm việc tích cực như vậy rồi vẫn để “lọt” hàng “trời”, hàng chợ? Như thế, trách nhiệm của Cơ quan đăng kiểm ở đâu? Nếu công tác đăng kiểm không hiệu quả, để doanh nghiệp “qua mặt” như vậy thì phải chăng chi phí đăng kiểm nên trả lại cho ngư dân?
Trả lời câu hỏi này, ông Đào Hồng Đức cho hay: Theo quy định của nhà nước, đăng kiểm là cơ quan kiểm tra an toàn kỹ thuật và thu phí đăng kiểm về cho nhà nước, đây là quy định của Bộ tài chính không thể trả lại cho ngư dân được.
“Về quá trình đăng kiểm máy, các đăng kiểm viên ngoài kiểm tra hồ sơ thì kiểm tra toàn bộ máy tàu đảm bảo là máy thủy, hoạt động 100%. Thực tế, khi đăng kiểm các đăng kiểm viên đã có sai sót không biết máy đó là thật hay giả. Chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm của các đăng kiểm viên” - ông Đào Hồng Đức cho biết.
Trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm
Theo ông Bùi Hữu Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu thì trước đó, khi nhập máy về đã mời ngư dân, chủ tàu và cơ quan đăng kiểm cũng như Công ty TNHH Vận Tải Tân Trung Tín về giám định máy mới hay máy cũ.
Ông Bùi Hữu Hùng cho hay, thống nhất cao với kết quả của Tổ thẩm định (chiều ngày 22-6), hứa sẽ khắc phục các tàu cá theo chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần – Bộ Công an và UBND tỉnh Bình Định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, kết quả của Tổ thẩm định Bình Định chưa thể đưa ra nguyên nhân chính thức. Thế nên, cần phải có báo cáo cuối cùng từ UBND tỉnh Bình Định gửi lên Bộ NN&PTNT khi đó mới trình lên Chính phủ thì mới có kết quả cuối cùng được.