Phần lớn bệnh nhân đang được cứu chữa tại Bệnh viện Bạch Mai đều bước đầu ổn định, hồi phục sức khỏe, chỉ còn 1 trường hợp chưa ổn định.
TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số 10 bệnh nhân có 1 bệnh nhân nằm ở khoa Cấp cứu, 2 bệnh nhân ở Trung tâm Chống độc, 3 bệnh nhân nằm ở khoa Hồi sức và 4 bệnh nhân ở khoa Thận nhân tạo.
Đang nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân Trần Văn Quang (ở Hòa Bình) nhớ lại: Tôi đã phải chạy thận suốt 9 năm nay, trong đó có 7 năm liền chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sáng qua, tôi cùng 17 bệnh nhân khác được chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được gần 1 tiếng thì xảy ra sự cố. Lúc đó, tôi đang lơ mơ ngủ thiếp đi thì tự dưng thấy người nóng ran, nhức đầu, buồn nôn, cơ thế rất khó chịu. Quay sang nhìn xung quanh thì thấy rất nhiều bệnh nhân khác cũng bị tương tự. Gần 10 năm chạy thận, thi thoảng tôi cũng bị một vài triệu chứng như: buồn nôn, nhức đầu trong lúc đang chạy thận, nhưng chưa bao giờ có cảm khác khác hẳn như lần này. Cũng rất may từ khi được các bác sỹ cấp cứu và chuyển lên đây điều trị sức khỏe tôi cũng khá hơn.
Trong khi đó, Lê Văn Tiến (ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết, mình đã phải chạy thận lọc máu được 7 năm. Trong sự cố y khoa sáng qua, anh Tiến là người nhẹ nhất vì mới chạy thận được 20 phút thì các bệnh nhân đang chạy thận bên cạnh xảy ra sự cố, phải cấp cứu. Cùng phải chịu tai biến khi chạy thận, một bệnh nhân ở Hòa Bình đang điều trị tại khoa Hồi sức lo lắng cho biết: Tôi đã phải chạy thận chu kỳ từ 2 năm nay. Sau khi bị sốc phản vệ khi đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sáng qua, tôi đã được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình cấp cứu, rồi chuyển về Bạch Mai. Hiện nay, tôi đã đỡ khó thở hơn nhưng vẫn đang phải lọc máu liên tục.
Ngay trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã đến từng khoa phòng có các bệnh nhân chạy thận từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chuyển xuống để thăm hỏi, động viên người bệnh.
Trao đổi với báo chí, TS Dương Đức Hùng cho biết thêm, bệnh viện đang tập trung cứu chữa các bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển về, còn nguyên nhân khiến 18 bệnh nhân đang chạy thận bị sốc phản vệ khiến 7 người tử vong thì vẫn chưa xác định được. Đây chỉ là sự cố cục bộ, nhất thời chứ không phải xảy ra trong cả hệ thống chạy thận. “Bệnh viện hiện chưa đi sâu tìm hiểu nghuyên nhân mà đang tập trung vào cứu chữa các bệnh nhân. Đây là một sự cố nghiêm trọng nhưng rất hiếm gặp vì hàng năm có hàng trăm ngàn bệnh nhân chạy thận trong cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên xảy ra chùm tai biến như vậy, nên tới đây chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình, phác đồ chạy thận hiện nay ...”- TS Hùng nêu rõ.
Lãnh đạo Bộ Y tế thăm hỏi bệnh nhân
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, 45 năm qua, kể từ khi Việt Nam có chuyên ngành chạy thận nhân tạo chưa từng xảy ra sự cố tương tự vụ việc 18 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình sốc phản vệ khiến 7 người tử vong. "Biến chứng với 1-2 bệnh nhân khi đang chạy thận vẫn có. Nhưng vụ việc ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa cực kỳ nghiêm trọng, 45 năm năm qua, kể từ khi Việt Nam có chuyên ngành chạy thận nhân tạo chưa từng xảy ra sự việc như vậy. Trên y văn thế giới, tôi được biết cũng mới chỉ có 1 vụ tương tự nhưng đã xảy ra từ rất lâu rồi…"- TS Dũng chia sẻ.
TS Dũng cho rằng, đây là một biến cố đồng loạt nên khó có thể quy kết vào một nguyên nhân nào đó, nhưng trước mắt được xem như là một bài học cho toàn ngành chạy thận.
Sáng 30-5, bên hàng lang Quốc hội, nhiều ĐBQH đã rất quan tâm đến vụ tai biến nghiêm trọng đối với 18 bệnh nhân chạy thận lọc máu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (tổng số ca tử vong đã 7 người).
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy các vấn đề xã hôi của Quốc hội cho rằng, sự cố y khoa nghiêm trọng như vậy nên trước mắt cần bình tình để các cơ quan chuyên môn xử lý. Khi có kết luận nguyên nhân mới đánh giá toàn diện vụ việc được. Ông Lợi cho biết, Ủy ban cũng đã đề nghị Bộ Y tế báo cáo về sự cố trong chiều 30-5.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng trao đổi cho rằng, tuy ban đầu bác sĩ kết luận sốc phản vệ nhưng tại sao lại sốc phản vệ, chắc chắn gặp phải yếu tố gì đó. Theo ĐB, bây giờ phải niêm phong tất cả tìm nguyên nhân. “Tôi có trao đổi với 1 số bệnh viện, 18 người cùng bị 1 lúc là chưa từng xảy ra. Nếu đây là sốc mà rủi ro thì vô lý, vì không thể rủi ro cùng lúc 18 bệnh nhân. Không lọai trừ khả năng nước, vệ sinh ống, hệ thống, các hóa chất kháng khuẩn... có vấn đề. Hiện chưa kết luận gì cả tôi ngờ là cái đó. Còn bảo thuốc thì vô lý vì mỗi người thuốc khác nhau”, bà Lan phán đoán.
Còn theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, thành viên Hội đồng khoa học kỹ thuật Bộ Y tế, đây là sự cố y khoa gần như lần đầu tiên trong chạy thận nhân tạo ở Việt Nam. Một sự cố xảy ra cả 18 người gây tử vong 7 người thì là sự cố nghiêm trọng, cần xem xét kỹ để rút kinh nghiệm. Mặt khác, sau sự cố, Bộ Y tế cần tiến hành rút kinh nghiệm cho cả nước.
Theo Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bộ Y tế cần sớm công bố nguyên nhân. “Tôi cam đoan không bác sỹ nào trong quá trình hành nghề của mình muốn nhìn thấy bệnh nhân của mình tử vong. Đây là sự cố thực sự, nên không phải giấu nguyên nhân. Tìm ra nguyên nhân thì phải công bố ngay để đề phòng, giải quyết ngay. Tôi tin lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế cũng sẽ trả lời cho công luận sớm nhất”, ông Trí khẳng định.