Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung đối với vụ án "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong.
Đáng chú ý, trong bản kết luận điều tra bổ sung có thêm 2 bị can bị khởi tố là ông Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc BV Hòa Bình) và Trần Văn Thắng (cán bộ khoa Dược, nguyên Trưởng phòng Vật tư, BV Hòa Bình) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong khi ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BV Hòa Bình) chỉ phải chịu trách nhiệm về hành chính.
Buông lỏng quản lý
Theo kết luận điều tra, ông Hoàng Đình Khiếu với trách nhiệm là Phó Giám đốc BV Hòa Bình, trực tiếp kiêm nhiệm Trưởng khoa Hồi sức tích cực, phụ trách 13 khoa phòng, trong đó có Phòng Vật tư - Thiết bị y tế và Khoa Hồi sức tích cực (trong đó có Đơn nguyên thận nhân tạo) nhưng ông Khiếu đã thiếu trách nhiệm dẫn đến sự cố y khoa khiến 9 người chết.
Cụ thể, ông Khiếu vi phạm điều 2, phần 1 của quy chế quản lý và sử dụng vật tư thiết bị y tế. Ở vị trí là lãnh đạo bệnh viện nhưng ông Khiếu đã không giao thiết bị y tế cho từng cá nhân cụ thể trong bệnh viện bảo quản, sử dụng để đảm bảo việc sử dụng trang thiết bị y tế theo đúng quy định kỹ thuật của bệnh viện.
Ông Khiếu cũng chưa báo cáo đề xuất để Giám đốc BV Hòa Bình ra quyết định giao hệ thống lọc nước RO cho các cá nhân cụ thể trong Khoa Hồi sức tích cực quản lý, sử dụng, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm được giao đối với lãnh đạo, cán bộ phòng vật tư và các bác sỹ, điều dưỡng của Đơn nguyên thận nhân tạo trong việc giám sát sửa chữa thiết bị lọc nước RO2. Ông Khiếu không sát sao trong kiểm tra, giám sát việc bàn giao hệ thống lọc nước RO số 2 sau sửa chữa giữa phòng Vật tư – Thiết bị y tế và Đơn nguyên thận nhân tạo. Bản kết luận điều tra bổ sung cũng xác định, với vai trò là Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ông Khiếu đã vi phạm quy chế của Khoa, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nên để cho Đơn nguyên thận sử dụng hệ thống lọc nước RO số 2 sau khi sửa chữa một cach tùy tiện khi chưa biết nguồn nước sử dụng trong lọc máu có đảm bảo hay không. Từ các căn cứ điều tra trên, cơ quan CSĐT xác định, ông Khiếu với chức năng, nhiệm vụ được giao đã buông lỏng quản lý dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây ra vụ tai biến chạy thận tại BV tỉnh Hòa Bình làm 9 người tử vong và 9 người khác phải đưa đi cấp cứu.
Thiếu trách nhiệm
Đối với ông Trần Văn Thắng, qua điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT xác định ông Thắng vi phạm Điều 5, phần 1, mục 7 Quy chế bệnh viện quy định về nhiệm vụ của Trưởng phòng Vật tư quy định.
Theo đó, sau khi được giao thực hiện Hợp đồng kinh tế số 315 về việc bảo dưỡng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 của, ông Thắng đã phân công nhiệm vụ cho nhân viên là Trần Văn Sơn (trước đó, bị can Sơn cũng bị khởi tố về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) kiểm tra, giám sát quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 theo hợp đồng nhưng không phân công công việc cụ thể theo yêu cầu của hợp đồng, để Sơn thực hiện nhiệm vụ thông qua báo giá của Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn.
Với chức trách là trưởng phòng vật tư, ông Thắng không kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của Sơn, dẫn đến việc Sơn bỏ mặc cho Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh, bị khởi tố với tội danh Vô ý làm chết người) thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và sử dụng các hóa chất HF, HCL không có trong danh mục các hóa chất được dùng trong y tế để súc rửa cột lọc, màng lọc.
Đồng thời chưa lấy mẫu nước để xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI và làm biên bản bàn giao, nghiệm thu hợp đồng, cũng như bỏ mặc cho đơn nguyên thận sử dụng hệ thống lọc nước RO số 2 không đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Không chỉ có vậy, ông Thắng còn vi phạm điểm a, điều 7, phần II Quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế.
Cụ thể vào sáng ngày 29-5-2017 trước thời điểm xảy ra vụ tai biến chạy thận, Sơn có báo cáo với ông Thắng trong buổi giao ban đầu giờ sáng là đã sửa chữa xong hệ thống lọc nước RO số 2.
Ông Thắng sau đó không kiểm tra lại nội dung Sơn báo cáo, dẫn đến việc Đơn nguyên thận nhân tạo đưa hệ thống lọc nước RO số 2 chưa đảo bảo an toàn vào hoạt động.
Do vậy, ông Thắng bị xác định là đã buông lỏng quản lý, thiếu đôn đốc kiểm tra thực hiện việc giám sát, sửa chữa, nghiệm thu và bàn giao hệ thống lọc nước RO số 2 cho Đơn nguyên thận nhân tạo.
Ngoài ra với vai trò là trưởng phòng vật tư, ông Thắng cũng không tham mưu cho Ban Giám đốc bệnh viện ban hành văn bản quy định cụ thể việc bảo quản, sửa chữa, nghiệm thu và đưa vào sử dụng hệ thống lọc nước RO dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong bản kết luận điều tra bổ sung cũng đề cập tới trách nhiệm của ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BV Hòa Bình).
Theo đó, cơ quan CSĐT xác định, việc thực hiện ký hợp đồng giữa đại diện BV tỉnh Hòa Bình là ông Trương Quý Dương với ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) là đúng quy định pháp luật.
Trước thời điểm xảy ra vụ việc, ông Dương đã giao Phòng Vật tư phối hợp Hành chính thực hiện hợp đồng nhằm sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Phòng Vật tư và Khoa Hồi sức tích cực đã không báo cáo lại tiến độ, cách thức tiến hành để giám đốc nắm bắt, chỉ đạo.
Cơ quan CSĐT chỉ xác định ông Dương ở điểm thời xảy ra vụ tai biến là người đứng đầu bệnh viện nhưng chưa sâu sát trong công việc và chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính liên đới khi để ra xảy ra sự cố.
Theo đó, từ năm 2015 - 2017, ông Dương không có quyết định giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo cho cá nhân cụ thể điều hành hoạt động của đơn nguyên này, không có văn bản giao cá nhân cụ thể trong khoa chịu trách nhiệm về hệ thống lọc nước RO. Từ khi có quyết định thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo, Giám đốc cũng không chỉ đạo ban hành văn bản quy định cụ thể về quy trình bảo quản, sửa chữa liên quan đến hệ thống lọc nước, để xảy ra tình trạng vận hành, sử dụng hệ thống RO trong thời gian dài.