Vụ sập tòa nhà Viện KHXH vùng Nam bộ: Do vỡ mạch nước, lở chân móng công trình xây dựng cao ốc Pacific

Hôm qua 10-10, lãnh đạo Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp Công an quận 1 tiếp tục cô lập, bảo vệ hiện trường (bao gồm cả công trình xây dựng cao ốc Pacific số 43-47 Nguyễn Thị Minh Khai và tòa nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ - Viện KHXHVNB, số 49 Nguyễn Thị Minh Khai) để khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân lún và sập cũng như đánh giá những thiệt hại trong vụ này.Lún, sập vì vỡ mạch nước, lở chân móng
Vụ sập tòa nhà Viện KHXH vùng Nam bộ: Do vỡ mạch nước, lở chân móng công trình xây dựng cao ốc Pacific

Hôm qua 10-10, lãnh đạo Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp Công an quận 1 tiếp tục cô lập, bảo vệ hiện trường (bao gồm cả công trình xây dựng cao ốc Pacific số 43-47 Nguyễn Thị Minh Khai và tòa nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ - Viện KHXHVNB, số 49 Nguyễn Thị Minh Khai) để khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân lún và sập cũng như đánh giá những thiệt hại trong vụ này.

Lún, sập vì vỡ mạch nước, lở chân móng

Vụ sập tòa nhà Viện KHXH vùng Nam bộ: Do vỡ mạch nước, lở chân móng công trình xây dựng cao ốc Pacific ảnh 1

Lực lượng cảnh sát kiểm tra hiện trường vụ sập tòa nhà Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đơn vị nghiệp vụ của Công an TPHCM đã bắt đầu lấy lời khai của các bên có liên quan và những người chứng kiến vụ lún, sập tòa nhà của Viện KHXHVNB.

Theo anh Cao Thanh Bình, nhân viên bảo vệ của Viện KHXHVNB, lúc 18 giờ 30 ngày 9-10, phát hiện tòa nhà có hiện tượng lún từng phần nên anh đã báo cho tiến sĩ Võ Công Nguyện, Phó Viện trưởng đang làm việc tại trụ sở biết. Sau đó tòa nhà sụp đổ từng phần, đến 19 giờ 30 cùng ngày thì đổ sụp hoàn toàn.

Lúc xảy ra vụ sụp đổ, tại Viện KHXHVNB chỉ còn lại 3 người gồm tiến sĩ Võ Công Nguyện cùng 2 bảo vệ đã kịp thoát ra khỏi tòa nhà. Ông Nguyện xác nhận không còn ai là người của viện làm việc bên trong tòa nhà khi xảy ra đổ sụp. Trong khi đó, anh Trần Cường Thạnh, bảo vệ Công ty Thái Bình Dương làm nhiệm vụ bảo vệ công trình xây dựng cao ốc Pacific cho biết, khoảng 18 giờ 30 ngày 9-10, tầng hầm của công trình bị vỡ mạch nước có dấu hiệu lở chân móng của công trình nên đã báo động số công nhân đang làm việc tại công trình giải tán, tránh tai nạn.

Theo khảo sát hiện trường ban đầu của lực lượng chức năng, tòa nhà bị sụp của Viện KHXHVNB có chiều ngang khoảng 4m, chiều dài 30m, gồm 1 trệt, 2 lầu, bị lún khoảng 6m và sập hoàn toàn. Nguyên nhân vụ lún, đổ sập, theo cơ quan chức năng TPHCM có thể do việc thi công 5 tầng hầm của công trình xây dựng cao ốc Pacific đã làm vỡ mạch nước, lở chân móng.

Bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng!

Trao đổi với PV SGGP ngày 10-10, bà Phạm Thị Thu Giang, Chủ tịch UBND phường Bến Nghé quận 1 cho biết phường từng nhận công văn của Viện KHXHVNB khiếu nại đơn vị thi công cao ốc Pacific xây dựng làm nứt tường của viện. UBND phường đã kết hợp Đội Quản lý trật tự đô thị, Phòng Quản lý đô thị quận 1 tiến hành kiểm tra, ghi nhận sự việc. UBND quận 1 đã có kiến nghị vụ việc đến Sở Xây dựng TP. Ngày 7-12-2006, Sở Xây dựng đã ban hành quyết định đình chỉ thi công phần móng tiếp giáp Viện KHXHVNB đến khi thực hiện đầy đủ các quy định của Thanh tra Sở Xây dựng.

Quyết định cũng phạt hành chính chủ đầu tư 29 triệu đồng với lý do vi phạm an toàn lao động gây rạn nứt, chấn động trụ sở Viện KHXHVNB, đồng thời nêu rõ cần phải di dời ngay toàn bộ tài sản và không để cán bộ nhân viên của viện tiếp tục làm việc trong tòa nhà để đảm bảo an toàn; buộc chủ đầu tư cao ốc Pacific phải thuê kiểm định xây dựng để đánh giá mức độ nguy hiểm đối với khu nhà hành chính của Viện KHXHVNB và thuê tư vấn giám sát công trình thi công. Tuy nhiên đơn vị thi công, chủ đầu tư đã phớt lờ và vẫn tiếp tục thi công bất chấp lệnh đình chỉ.

Ngày 4-1-2007, Sở Xây dựng lại ra tiếp quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư cao ốc Pacific. Lúc này, phía đơn vị thi công mới cho nhân viên sang Viện KHXHVNB trám trét vết nứt ở tường, thay gạch bể, thay mái tôn chống dột. Tuy nhiên vài ngày sau, hiện tượng lún nứt tiếp tục xảy ra, Viện KHXHVNB lại có công văn “cầu cứu” UBND phường Bến Nghé. Ngày 17-7-2007, UBND quận 1 lại có quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư vì vi phạm các quy định trong xây dựng.

Làm đúng thiết kế tư vấn của Bộ Xây dựng(?!)

Vụ sập tòa nhà Viện KHXH vùng Nam bộ: Do vỡ mạch nước, lở chân móng công trình xây dựng cao ốc Pacific ảnh 2

Hiện trường vụ sập nhà Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chiều 10-10, ông Lương Xuân Quang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên xây dựng Thái Bình Dương (đơn vị thi công) cho biết, công trình cao ốc Pacific có tổng đầu tư khoảng 350 tỷ đồng có quy mô 26 tầng (5 tầng hầm đã đúc xong, 1 tầng trệt và 20 tầng lầu).

Công trình được bao quanh một lớp tường vây bằng bê tông cốt thép dày 1m, sâu 45m so với mặt đất (mác P400, 2 lớp thép phi 36). Sự cố xảy ra lúc 17 giờ 50, khi công trình đang trong giai đoạn đào đất để chuẩn bị thi công đài móng thì tại vị trí tiếp giáp giữa 2 đốt tường vây đã bị bục 1 lỗ có đường kính 0,2m x 0,7m tại độ sâu 19m làm cho nước và cát (từ mạch nước ngầm hay còn gọi là hiện tượng cát chảy) tràn vào dữ dội. Sự cố xảy ra trong thời điểm giao ca, nên tại hiện trường chỉ có 5 công nhân đang trực phát hiện sự cố.

Ngay sau đó, chỉ huy công trường đã huy động thêm 15 công nhân đến khắc phục sự cố nhưng do áp lực cát và nước quá mạnh, để bảo đảm an toàn về người, chỉ huy trưởng quyết định rút hết công nhân ra khỏi hiện trường và thông báo cho các công trình lân cận di tản người ra khỏi khu vực. Ông Ngô Duy Tân, Giám đốc Công ty TNHH bia Thái Bình Dương cho biết hiện nay việc xây tầng hầm là không giới hạn nên đơn vị ông đã đào sâu xuống 21m, tương đương 7 tầng hầm.

Ông đang lập thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng. Ban đầu đơn vị thi công công trình này là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang, sau đó đơn vị này rút. Từ đầu năm 2007, công trình xây dựng cao ốc Pacific do Công ty TNHH Một thành viên xây dựng Thái Bình Dương thi công. Dù sự cố đã xảy ra được đánh giá là rất nghiêm trọng nhưng ông Tân khẳng định là đã làm đúng theo thiết kế của đơn vị tư vấn của Bộ Xây dựng (!?) 

NHÓM PV 

Thiệt hại khó có thể đánh giá được

Sáng 10-10, Viện KHXHVNB đã có cuộc họp đánh giá mức độ thiệt hại và thống kê tài sản bị hư hỏng trong vụ sập. Tiến sĩ Võ Công Nguyện cho biết toàn bộ văn thư lưu trữ, tài liệu quan trọng, sổ sách, dữ liệu của 5 trung tâm nghiên cứu, 3 phòng lãnh đạo nằm trong khu hành chính bị sập đã bị hư hỏng. Hiện nay trong đống đổ nát nằm sâu trong lòng đất ngập nước nên khả năng “cứu” các tài liệu này rất thấp. Đáng chú ý có 3 công trình nghiên cứu cấp quốc gia sắp hoàn thành cũng đang bị chôn vùi trong đống xà bần. Theo tiến sĩ Nguyện, khó có thể đánh giá được mức thiệt hại vì ngoài những thiệt hại về tài sản thì nhiều tài liệu lưu trữ là vô giá, gắn liền với lịch sử, công trình nghiên cứu cấp quốc gia.

Thông tin liên quan:

Thi công tầng hầm cao ốc Pacific 
Làm sập tòa nhà 3 tầng của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ

Chủ đầu tư bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng

Tin cùng chuyên mục