Đại tá Nguyễn Đình Cương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ, cho biết, quá trình tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ sẽ phát sinh nhiều tình huống khó lường, vì vậy các đơn vị tham gia phải phối hợp chặt chẽ khi thực hiện nhiệm vụ. Về lực lượng tìm kiếm sẽ do quân đội, công an đảm nhiệm.
Theo kế hoạch, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ chủ động phương tiện phối hợp với lực lượng chức năng làm công tác trục vớt phương tiện; Sở NN-PTNT nắm chắc tình hình thời tiết, thủy văn, dòng chảy sông Hồng, cung cấp thường xuyên cho lực lược tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ huy động lực lượng trực 24/24 giờ sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan làm nhiệm vụ. Quy trình trục vớt, xác định danh tính người bị nạn bảo đảm trình tự phục vụ công tác điều tra, xác minh và an ninh, an toàn. Trong ngày 14-9, nhiều ca nô dọc 2 bờ sông Hồng chở các chiến sĩ tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Cùng với việc cứu hộ các nạn nhân, lực lượng chức năng cũng chuẩn bị cho lắp đặt cầu phao tạm thay thế cầu Phong Châu để người dân đi lại. Vị trí làm cầu phao cách cầu Phong Châu bị sập khoảng 500m. Liên quan tới vụ sập cầu Phong Châu, UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo và giao tỉnh triển khai các thủ tục đầu tư 2 công trình gồm: Xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với tổng mức đầu tư 865 tỷ đồng; gia cố, nâng cấp đoạn đê, kè xung yếu và hệ thống tường ngăn lũ thuộc đê tả, hữu sông Thao với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.