Danh sách các tập thể được Bộ trưởng Bộ Công an tặng thưởng: - Các đơn vị: Phòng 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, Văn phòng Thường trực thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; - Phòng 5, 6 và 7 thuộc A06; Phòng 6, 7 và 8 thuộc A07; - Trung đoàn Cảnh sát cơ động E20; Tiêu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm số 02 thuộc K02; Trại giam T16, T17 thuộc C01; Cục C02; Đội 2 và Đội 4 thuộc Phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM; Phòng 9, H07; - Phòng PC04 công an các tỉnh, thành phố: tỉnh Kon Tum; Đắk Nông, Tây Ninh, TP Đà Nẵng; TPHCM; Bình Dương; Bình Định; Ninh Thuận; Khánh Hòa; Cao Bằng; - PK02 công an tỉnh Kon Tum, PC02 Công an TPHCM; - Công an huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum; Công an phường Bình Hưng Hòa B, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Q. Bình Tân TPHCM; - Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; - Vụ 4, Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Đội 6, Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải Quan; - Đoàn 3, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, BTL Bộ đội biên phòng. |
Thông tin về Kết quả đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma túy do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu hoạt động tại Kon Tum, Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 cho biết, trước nhu cầu sử dụng ma túy tổng hợp tăng cao, cộng với lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động mua bán trái phép chất ma túy mang lại, các tổ chức tội phạm người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan, Philippines nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa du lịch, núp bóng dưới “vỏ bọc” là các thương gia, ông chủ các tập đoàn nước ngoài để lợi dụng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 trong buổi thông tin với báo chí chiều ngày 27-9
Trước diễn biến thay đổi của tình hình tội phạm ma túy, ngay từ cuối năm 2018 lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục C04 tập trung phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, rà soát đối tượng, kịp thời phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy ở trong nước.
Thông qua kênh hợp tác trong phòng, chống ma túy với Bộ Công an Trung Quốc, đầu năm 2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nhận được thông tin một số đối tượng quốc tịch Trung Quốc cấu kết với một số đối tượng người Việt gốc Hoa ở trong nước chuẩn bị vận chuyển một lô máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất ma túy tổng hợp tại Việt Nam.
Sau 8 tháng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, với hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia ở nhiều tỉnh, thành phố, Ban Chuyên án đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phạm tội, Ban Chuyên án đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cho phá án. Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Trung, Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo phá án.
Kho xưởng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đồng An Viên chứa 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong nhiều thùng phi, can nhựa, xô chậu… và khoảng 20 tấn thiết bị, máy móc, phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy
Chuyên án còn có sự tham gia của các đơn vị A06, A07, A08, C09, K02, Công an các tỉnh Kon Tum, Bình Dương, Bình Định, Ninh Thuận, Cao Bằng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Vụ 4, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức tấn công, phá án.
Khoảng 6 giờ ngày 6-8 tại khu Làng nghề, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum gần 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng đồng loạt đột kích vào nhà xưởng của Công ty TNHH xuất, nhập khẩu Đồng An Viên, nơi các đối tượng đang tiến hành sản xuất ma túy tổng hợp.
Tại đây, Ban Chuyên án khống chế, bắt quả tang 7 đối tượng đều là người Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy. Trong đó, lực lượng chức năng đã bắt giữ được đối tượng Thái Tự Lực và Tống Kiến Hoàng cùng sinh năm 1963, quốc tịch Trung Quốc là đối tượng chủ mưu cầm đầu. Trong đó, Thái Tự Lực là đối tượng có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc, mới được ra tù. Còn Tống Kiến Hoàng là người có trình độ và có kinh nghiệm trong sản xuất ma túy tổng hợp. Các đối tượng còn lại có nhiệm vụ vận hành máy móc, thiết bị.
Nhóm người Trung Quốc chọn Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên ở Kom Tum để sản xuất ma tuý
Vật chứng thu giữ 140 lít dung dịch dạng sệt, qua giám định nhanh có thành phần Methamphetamine (ma túy đá). Trên 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong các thùng phi, can nhựa, thùng nhựa, chai, lọ thủy tinh, bao giấy… phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy. Khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy (hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy li tâm, máy sấy khô…). Với lượng hóa chất, tiền chất nêu trên, nếu sản xuất trót lọt, ước tính các đối tượng sẽ sản xuất 1 tấn ma túy tổng hợp dạng “đá”.
Kết quả điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận chúng nhập cảnh vào Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau, đi đến các địa phương ở xa trung tâm thành phố, tìm những doanh nghiệp có sẵn kho xưởng, có đường vào độc đạo, dễ che giấu việc sản xuất ma túy, lừa đảo doanh nghiệp bằng cách đặt vấn đề nhờ sản xuất thử nghiệm thuốc trừ sâu và thuốc diệt chuột, nếu thành công sẽ đầu tư số lượng tiền lớn vào doanh nghiệp và sản xuất thành công sẽ cho làm đại lý độc quyền. Sau khi doanh nghiệp đồng ý, chúng sẽ tập trung sản xuất ma túy tổng hợp trong nửa tháng đến 20 ngày sau đó chấm dứt và chuyển sang địa điểm khác để tránh sự việc bị bại lộ. Tại Kon Tum, Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo chủ động triệt phá ngay khi đối tượng vừa sản xuất xong ma túy tổng hợp.
Hoá chất để phục vụ cho sản xuất ma tuý
Đây là lần đầu tiên Lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam cho phép Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác lập đấu tranh chuyên án chung giữa Việt Nam với nước ngoài để triệt phá toàn bộ đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia. Chuyên án trên là thành tích đặc biệt xuất sắc, triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma túy có quy mô, tính chất lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, thu giữ được toàn bộ dây chuyền sản xuất, bắt giữ được toàn bộ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu người nước ngoài; đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân khi phá án.
Sau khi triệt phá đường dây tại Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Công an Trung Quốc đã đến Kon Tum phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trao đổi các thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ phục vụ truy bắt các đối tượng có liên quan hoạt động ở Trung Quốc. Đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 8 đối tượng, Công an Trung Quốc khởi tố bị can 18 đối tượng. Hiện nay lực lượng chức năng 2 nước vẫn tiếp tục phối hợp điều tra mở rộng triệt để chuyên án này.