Cụ thể, hiện Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện điều tra độc lập 5 vụ án với 55 bị can về các sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các TTĐK: 50-04V, 50-02S, 50-01S, 50-09D, 50-12D; khẩn trương kết thúc điều tra theo đúng thời hạn điều tra theo luật định.
Theo Công an TPHCM, ngày 24-3, Cơ quan CSĐT đã ban hành Kết luận điều tra, đề nghị truy tố 254 bị can về 11 tội danh. Kết luận điều tra xác định các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm được tổ chức xuyên suốt, có tổ chức từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR), Phòng Tàu Sông đến giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên các TTĐK, Chi cục đăng kiểm xe ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đối tượng môi giới và chủ phương tiện.
Hàng loạt sai phạm có hệ thống, xuyên suốt xảy ra trong một thời gian dài đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông trên cả nước. Quá trình điều tra, CQĐT đã thu hồi tạm giữ và các bị can giao nộp khắc phục hơn 43 tỷ đồng, 118.800 USD cùng nhiều tài sản có liên quan khác.
Công an TPHCM cũng báo cáo Bộ Công an kiến nghị Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới như: miễn đăng kiểm xe cơ giới lần đầu, giãn cách chu kỳ đăng kiểm, phân cấp phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho các địa phương…
Qua đó, góp phần từng bước quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới vừa góp phần nâng cao an toàn phương tiện và bảo vệ tính mạng con người; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.