Mới đây Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong đó, CQĐT cũng đã làm rõ sai phạm tại 2 đơn vị đăng kiểm giao thông thủy.
Theo kết luận điều tra, Chi cục Đăng kiểm số 6 (phường Bến Thành, quận 1, TPHCM, do Phạm Việt Phương làm giám đốc) và số 9 (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do Hoàng Văn Duy làm giám đốc) có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam thực hiện quản lý Nhà nước về đăng kiểm phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải... đăng kiểm về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, an toàn lao động.
Tuy nhiên, tại Chi cục Đăng kiểm số 6, khi thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, nhiều chủ phương tiện hoặc thông qua trung gian đã đưa tiền hối lộ cho Đăng kiểm viên (ĐKV) để được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Quá trình kiểm tra, các ĐKV thực hiện sai quy trình, phương tiện kiểm tra không đủ điều kiện đều được đánh giá đạt.
Điển hình như, vào tháng 10-2018, đại diện của Công ty TNHH MTV TM và DV Tàu thuyền Việt Mỹ (địa chỉ tại quận Tân Phú, TPHCM) liên hệ với bị can Dương Xuân Chế (chủ Công ty TNHH Truyền thông Dương Nguyễn, có đăng ký kinh doanh dịch vụ đi đăng kiểm) để thực hiện dịch vụ đăng kiểm. Hai bên thỏa thuận chi phí trọn gói là 240 triệu đồng cho du thuyền M. B. của Công ty (sổ đăng kiểm V50-07356).
Quá trình kiểm tra thực tế, 2 ĐKV là Nguyễn Văn Duẩn và Mai Ngọc Cường phát hiện tàu không gắn đèn cao tốc. Dương Xuân Chế sau đó đã đưa hối lộ 10 triệu đồng cho Duẩn để Duẩn và Cường bỏ qua lỗi vi phạm này và các lỗi vi phạm khác nếu có.
Sau đó, Chế đóng phí đăng kiểm theo quy định và mua trang thiết bị. Đến ngày 19-11-2018, Chi cục Đăng kiểm số 6 cấp giấy đăng kiểm cho tàu này.
Cũng theo CQĐT, trong quá trình ký duyệt hồ sơ từ tháng 8-2021 đến khi vụ việc bị phát hiện, Phạm Việt Phương (Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 6) đã nhiều lần nhận tiền hối lộ từ các ĐKV mặc dù biết rõ các ĐKV này nhận tiền hối lộ từ chủ phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ kiểm định phương tiện thủy nội địa.
Phương đã không thực hiện kiểm tra, soát xét hồ sơ kiểm định theo đúng quy định trước khi cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bỏ qua các lỗi, thiếu sót của phương tiện, vi phạm của các ĐKV trong quá trình đăng kiểm.
ĐKV đưa tiền hối lộ nhận được cho Phương tại phòng làm việc. Tổng số tiền hối lộ mà Phạm Việt Phương đã nhận từ các ĐKV là 75 triệu đồng và đã nộp lại toàn bộ cho Cơ quan điều tra.
Tương tự, tại Chi cục Đăng kiểm số 9, Hoàng Văn Duy, Giám đốc Chi cục trong thời gian giữa năm 2022 đến tháng 1-2023, khi ký cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa, đã nhận tiền hối lộ mà có từ các ĐKV. Hoàng Văn Duy đã 21 lần nhận tiền hối lộ khi ký duyệt hồ sơ, với tổng số tiền 21,5 triệu đồng và đã nộp lại toàn bộ số tiền trên.
Các ĐKV của Chi cục Đăng kiểm số 9 đã bỏ qua lỗi của tàu cao tốc S.R. 58 (phương tiện lưu thông từ khu vực Novaland Hồ Tràm về Xí nghiệp Cơ khí hàng hải miền Nam), lỗi của tầu cao tốc H. H. 02…