Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 254 bị can liên quan vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) tại TPHCM và các tỉnh thành.
Theo kết luận điều tra, năm 2018, các bị can Danh Thanh Tiền cùng Nguyễn Trọng Vĩnh và Đoàn Hải Linh góp vốn để thành lập Công ty TNHH Lâm Hà Trúc với mục đích thành lập, kinh doanh dịch vụ đăng kiểm tại TPHCM.
Ngày 18-1-2019, Tiền mang hồ sơ đến trụ sở Cục Đăng kiểm (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) gặp trực tiếp ông Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm) tại phòng làm việc và đưa cho Hình phong bì có 10 triệu đồng để xin cấp mã số đăng kiểm. Sau khi nhận tiền, Hình ký cấp cho Tiền mã số trung tâm là 50-15D và ông Tiền đã lắp đặt hoàn thiện trang thiết bị phục vụ.
Sau đó, Tiền gửi văn bản đến Cục Đăng kiểm đề nghị cử đoàn vào kiểm tra đánh giá lần đầu để TTĐK 50-15D có thể đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, sau thời gian dài mà Cục Đăng kiểm không cử đoàn vào kiểm tra nên Vĩnh ra Hà Nội gặp Hình thì ông này cho biết không đồng ý để Tiền làm tại TTĐK 50-15D.
Sau này, Tiền bán lại toàn bộ cổ phần Công ty Lâm Hà Trúc cho Trần Văn Thương với số tiền 365 triệu đồng, rồi các cổ đông công ty bầu ông Thương làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Tháng 5-2019, Vĩnh và Thương thống nhất ra Hà Nội gặp Trần Kỳ Hình tại phòng làm việc, rồi đưa hối lộ cho Hình 2.000 USD. Đồng thời, cả hai nhờ ông Hình cử đoàn kiểm tra đánh giá cho TTĐK 50-15D được hoạt động và Hình đồng ý. Ngày 18-6-2019, Hình ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho TTĐK 50-15D đưa vào hoạt động.
Theo kết luận điều tra, bị can Thương là người đại diện công ty nhưng không trực tiếp điều hành, mà giao toàn quyền quyết định tại TTDK 50-15D cho Vĩnh và Linh. Từ đó, Vĩnh bàn bạc với Linh và Vũ Hữu Bình (bảo vệ trung tâm) để thống nhất cho Bình đứng ra móc nối với các đối tượng môi giới để nhận hối lộ của chủ các xe đăng kiểm định kỳ và nghiệm thu xe cải tạo để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ.
Quá trình hoạt động của TTĐK 50-15D, Vĩnh thống nhất với Trần Thế Hơn, Trần Ngọc Phi (trưởng dây chuyền kiểm định), Phan Văn Thạnh về việc bỏ qua các lỗi đối với những xe do Bình môi giới đưa vào để cấp giấy chứng nhận. Từ tháng 6-2019 đến tháng 11-2022, Vũ Hữu Bình đã nhận hối lộ của các bị can trên với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng để cấp 17.940 lượt Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Trung bình hàng tháng, Vĩnh, Linh mỗi người được chia 8 triệu đồng/người, các đăng kiểm viên và Bình được chia 6 triệu đồng/người, nhân viên văn phòng, bảo vệ được 1 triệu đồng/người. Ngoài ra, đưa vào quỹ ngoại giao, tiếp khách của TTĐK 50-15D mỗi tháng số tiền 10 triệu đồng.
Bị can Vĩnh khai, thời gian đầu, trung tâm hoạt động chưa có lãi nên đến khoảng tháng 10-2020 mới chia cổ tức cho các cổ đông. Trung bình mỗi tháng, Vĩnh đưa cho các cổ đông 10 triệu đồng và thông báo tiền lợi nhuận của TTĐK. Các cổ đông không biết Vĩnh đưa ra chủ trương nhận tiền đăng kiểm tại TTĐK để thu lợi bất chính. Mỗi tháng, Thương nhận 10 triệu đồng tiền lợi nhuận, tổng cộng là 180 triệu đồng.
Việc trung tâm móc nối "cò" để nhận hối lộ từ chủ xe, cựu Phó Phòng CSGT không biết. Hiện, ông Thương đã giao nộp lại toàn bộ 180 triệu đồng.