Vụ sai phạm ở Bệnh viện Mắt TPHCM: Cấp dưới khai chấm thầu theo chỉ đạo của cựu giám đốc

Ngày 28-11, TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Mắt TPHCM với phần thẩm vấn các bị cáo.


Nhóm bị cáo gồm: Nguyễn Minh Khải (cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM), Võ Thị Chinh Nga (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM), Phí Duy Tiến (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM), Nguyễn Trí Dũng (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM), Nguyễn Quốc Toản (cựu Trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức thuộc Bệnh viện Mắt TPHCM), Phan Thị Bích Hạnh (cựu Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán), Nguyễn Đỗ Nguyên (cựu Trưởng Khoa Tổng hợp) và Lương Ngọc Tuấn (cựu Phó trưởng Khoa Khám mắt) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong phần thẩm vấn, các bị cáo trong hội đồng đánh giá hàng mẫu thừa nhận tiêu chí khi tham gia đánh giá hàng mẫu không đúng với tiêu chí được xây dựng trong hồ sơ mời thầu. Các bị cáo đánh giá hàng mẫu căn cứ vào kinh nghiệm chuyên môn.

Khi được Cơ quan điều tra mời lên làm việc, các bị cáo mới biết trong hồ sơ mời thầu gồm nội dung gì. Đồng thời, khi họp chấm thầu bổ sung đều theo định hướng theo bị cáo Nguyễn Minh Khải, bị cáo Nguyễn Quốc Toản.

Vụ sai phạm ở Bệnh viện Mắt TPHCM: Cấp dưới khai chấm thầu theo chỉ đạo của cựu giám đốc ảnh 1 Bị cáo Nguyễn Minh Khải, cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM tại tòa

Bị cáo Nguyễn Trí Dũng, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM cho rằng, mình chỉ chấp trên sản phẩm chứ không biết các công ty dự thầu. Việc đánh giá hàng mẫu chỉ là 1 trong 7 tiêu chí hồ sơ mời thầu. Để trúng thầu còn nhiều tiêu chí khác như hồ sơ năng lực, giá… Đánh giá hàng mẫu không phải là yếu tố quyết định trúng thầu.

Việc đánh giá hàng mẫu dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ. Các bác sĩ làm chuyên môn chỉ quan tâm sản phẩm nào thích hợp với từng tình huống, từng bệnh nhân, chứ không quan tâm đến giá sản phẩm. Khi lựa chọn sản phẩm đấu thầu thì bị cáo chọn sản phẩm mình đã dùng quen tay, tốt cho bệnh nhân. Sau này làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận ra việc lựa chọn này là chủ quan theo kinh nghiệm lâm sàng của cá nhân.

Chủ tọa hỏi bị cáo Dũng rằng đối với các sản phẩm tương đương tính năng kỹ thuật phải chọn sản phẩm giá thấp hơn đúng không thì bị cáo này cho rằng bác sĩ chỉ thực hiện chứ không quan tâm đến giá của bất cứ sản phẩm nào.

Về việc cáo trạng xác định Nhà nước và bệnh nhân thiệt hại 14,2 tỷ đồng, bị cáo Dũng cho rằng thiệt hại như cáo trạng nêu là có căn cứ. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng khi bệnh nhân vào bệnh viện thì họ tự chọn sản phẩm, chứ bác sĩ không bắt bệnh nhân phải chọn loại này hay loại kia, bác sĩ cũng không biết giá sản phẩm.

Vụ sai phạm ở Bệnh viện Mắt TPHCM: Cấp dưới khai chấm thầu theo chỉ đạo của cựu giám đốc ảnh 2 Bệnh viện Mắt TPHCM
Còn bị cáo Lương Ngọc Tuấn, cựu Phó trưởng Khoa Khám mắt khai việc đánh giá hàng mẫu là dựa vào bản thân là chính, cũng có tham khảo… Về việc vì sao chấm rồi còn chấm lại thì bị cáo Tuấn khai do bị cáo Khải, cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM kêu chấm lại…

Còn về thiệt hại, bị cáo Tuấn cho rằng mình chỉ mổ còn sản phẩm thì bệnh nhân tự chọn. Bị cáo Tuấn trình bày là mình không chọn lựa nên không biết giá các sản phẩm chênh lệch như thế nào, cái nào giá cao, cái nào giá thấp…

Bị cáo Toản trình bày, tiêu chí đánh giá hàng mẫu gồm: bao bì, đặc tính kỹ thuật trước, trong và sau mổ. Tiêu chí được xây dựng theo mẫu của Sở Y tế năm 2015. Về phương pháp đánh giá hàng mẫu, theo bị cáo Toản, trong đợt đánh giá lần 1, bị cáo dựa vào kinh nghiệm, chuyên môn để chấm; các bác sĩ trong hội đồng cũng sẽ tự quyết định khi có trao đổi chuyên môn cùng nhau.

Bị cáo Toản khai, sau khi chấm lần 1, thấy Công ty Codupha rớt thầu, bị cáo Khải đã mời bị cáo Toản lên làm việc, nói phải cho Codupha trúng một số phần thầu, nằm trong kế hoạch dự trù. Về các mặt hàng thủy tinh thể của các nhà thầu Codupha, Tâm Hợp và Hào Tín, bị cáo Toản trình bày là có tính năng, tác dụng tương tự.

Nhưng về sản phẩm của Codupha, bị cáo Toản trình bày thêm, đây là công ty hầu như trúng thầu tại Sở Y tế vào năm 2016, nên các sản phẩm thủy tinh thể của Codupha đa số được các bác sĩ sử dụng mổ cho bệnh nhân. Quá trình sử dụng, có khó khăn là qua vết mổ dễ gây biến chứng, có chất dễ gây phản ứng, kính bị nứt… nhưng trường hợp này không nhiều.

Khi chủ tọa hỏi: “Tiêu chí đạt hay không trong hội đồng đánh giá hàng mẫu có phải là được cụ thể hóa trong hồ sơ mời thầu không?”. Bị cáo Toản trả lời là “Không”…

Tin cùng chuyên mục