Ngày 9-8, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) đã có báo cáo tiến độ về kết quả điều tra vụ phá rừng khai thác gỗ trái phép ở khu vực rừng phòng hộ tại khoảnh 6, tiểu khu 316 (giáp ranh huyện Vân Canh và xã huyện Tây Sơn, Bình Định).
Hình ảnh cổ thụ rừng phòng hộ bị "xẻ thịt" ở hiện trường vào tháng 3-2023 |
Theo ông Hải, vụ việc đã trải qua 4 tháng điều tra và gia hạn điều tra nhưng vẫn chưa tìm được đối tượng trực tiếp khai thác gỗ rừng trái phép. Hiện, Hạt Kiểm lâm huyện này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT Công an huyện để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Hiện, quyết định khởi tố vụ án đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện phê chuẩn.
Sau khi báo chí phản ánh, lực lượng kiểm lâm tỉnh Bình Định vào cuộc kiểm tra, làm rõ |
Chia sẻ với báo chí về trách nhiệm của chủ rừng, đơn vị quản lý nhà nước và lực lượng chuyên trách để mất rừng, Hạt Phó Hạt Kiểm lâm Vân Canh cho biết, cần phải chờ kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện thì mới làm rõ để xử lý.
Ngoài ra, ông Hải lý giải thêm, do vụ việc có tính chất phức tạp bởi địa bàn ở vùng giáp ranh, dân cư chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó để truy tìm đối tượng phá rừng.
Hồi tháng 3-2023, Báo SGGP liên tục có những phản ánh về hàng loạt cây rừng giữ chức năng phòng hộ bị “xẻ thịt” tại khu vực rừng phòng hộ giáp ranh huyện Vân Canh và huyện Tây Sơn. Trong đó có nhiều cây rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
PV Báo SGGP có mặt ghi nhận nhiều cây rừng phòng hộ bị "xẻ thịt" |
Sau khi báo phản ánh, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã lập đoàn kiểm tra phát hiện 15 cây rừng chức năng phòng hộ bị tàn phá với khối lượng 11,4m3 gỗ, gồm các chủng loại: chò chỉ, ké, trâm, bời lời, trường vải, gội tẻ, thị rừng, xương cá, ươi, sổ… (nhóm III – nhóm VII).
Cách hiện trường vụ phá rừng không xa có đến 2 trạm quản lý bảo vệ rừng của 2 huyện Vân Canh và Tây Sơn với khoảng 10 cán bộ, nhân viên.