Vụ rơi máy bay tại Indonesia: Phát hiện sự cố chỉ 2 phút sau khi cất cánh
SGGPO
Theo giới chức Indonesia, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT 610 thuộc hãng Lion Air bị rơi ngoài khơi biển Java hôm 29-10 đã gặp vấn đề kiểm soát bay chỉ 2 phút sau khi cất cánh.
Nguồn: The Guardian
Báo cáo mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia cho biết, lúc 6 giờ 22 sáng 29-11 (theo giờ địa phương), tức chỉ 2 phút sau khi cất cánh, phi hành đoàn của chuyến bay đã yêu cầu đài kiểm soát không lưu tại sân bay Jakarta cho phép nâng độ cao từ khoảng 500m lên 1.500m do gặp vấn đề về kiểm soát bay. Yêu cầu này đã được chấp nhận, song máy bay đã bị rơi 11 phút sau đó.
Trong khi đó, theo Tổng cục Vận tải hàng không Indonesia, phi hành đoàn của máy bay cũng đã yêu cầu quay trở về Jakarta trước khi máy bay mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu.
Người phát ngôn của cơ quan hàng không Indonesia Yohanes Sirait cho biết: "Trạm kiểm soát không lưu chấp nhận yêu cầu đó song đã bị mất liên lạc với máy bay".
Biểu đồ thay đổi độ cao của máy bay trước khi bị rơi được ghi lại trong dữ liệu của Flightradar24
Dữ liệu ban đầu từ trang mạng Flightradar 24 cho thấy máy bay đã thay đổi độ cao liên tục trước khi mất liên lạc. Khoảng 2 phút sau khi cất cánh, máy bay đạt độ cao 610m, sau đó giảm xuống còn 152m trước khi tăng lên 1.524m và giữ độ cao này phần lớn thời gian sau đó. Và trong những giây phút cuối cùng trước lúc dữ liệu biến mất máy bay đang ở độ cao 1.113m.
Trong sáng 30-10, lực lượng cứu hộ Indonesia tiếp tục tìm thêm được nhiều phần thi thể nạn nhân và nhiều hiện vật liên quan ở khu vực máy bay rơi. Tuy nhiên, khả năng tìm thấy người sống sót đã bị loại trừ do tác động từ cú đâm xuống vùng biển sâu 30m-40m ở khu vực ngoài khơi đảo Java của Indonesia là quá mạnh.
Người phát ngôn của cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia Yusuf Latif nêu rõ: "Chúng tôi đặt mục tiêu hàng đầu là tìm kiếm mảnh vỡ của máy bay, theo đó đã sử dụng 5 tàu chiến được trang bị hệ thống phát hiện kim loại dưới nước".
Hiện lực lượng cứu hộ cũng chưa thể trục vớt hộp đen của chiếc máy bay, dù các thông tin trước đó cho biết đã xác định được vị trí của các thiết bị ghi lại âm thanh từ buồng lái cũng như dữ liệu chuyến bay này.
Ảnh: Xinhua
Ảnh: Getty
Ảnh: Reuters
Lực lượng cứu hộ tích cực tìm kiếm nạn nhân vụ rơi máy bay. Ảnh: Getty
Theo người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas), ông Muhammad Syaugi, hộp đen của máy bay sẽ giúp tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn trong lúc có quá nhiều nghi vấn vì máy bay Lion Air JT610 gặp nạn mới được đưa vào hoạt động. Theo báo cáo, máy bay này chỉ mới tham gia đội bay của hãng hàng không Lion Air từ tháng 8-2018 và vừa thực hiện 800 giờ bay.
Ông Xyaughi cho biết thêm nhóm nhân viên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia được cử đến khu vực tai nạn cũng đã mang theo một số thiết bị tinh vi để có thể sớm trục vớt được hộp đen từ đáy biển.
Ảnh: Reuters
Ảnh: AP
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Ảnh: CNN
Như tin đã đưa, máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT 610 cất cánh từ thủ đô Jakarta lúc 6 giờ 20 sáng 29-10 (theo giờ địa phương) và mất liên lạc với đài không lưu lúc 6 giờ 33 khi đang trong hành trình tới Pangkal Pinang dự kiến vào lúc 7 giờ 20. Vị trí máy bay rơi ở vùng biển sâu khoảng 30-35m. Địa điểm phát hiện các mảnh vỡ cách vị trí máy bay mất liên lạc khoảng 2 hải lý. Toàn bộ 189 người trên máy bay có thể đã thiệt mạng.
Nguồn: Flightradar24.com
Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia, có 178 hành khách là người trưởng thành, 1 trẻ nhỏ và 2 trẻ sơ sinh, 2 phi công cùng 6 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay định mệnh JT 610. Trong số các nạn nhân có 20 người hiện làm việc cho Bộ Tài chính Indonesia và cựu tay đua xe đạp chuyên nghiệp người Italy Andrea Manfredi.
Cơ trưởng của chuyến bay JT610 hôm 29-10, từ Jakarta đến Pangkal Pinang, là Bhavye Suneja, 31 tuổi, người Ấn Độ. Anh. Cơ trưởng Suneja làm việc cho Lion Air từ năm 2011 và có kinh nghiệm 6.000 giờ bay.
Chỉ ít phút sau khi cất cánh lúc 6 giờ 20 ngày 29-10, anh đã báo cáo về những trục trặc kỹ thuật và yêu cầu kiểm soát viên không lưu cho máy bay quay đầu.
Cơ trưởng Bhavye Suneja. Ảnh: CNN
Phi cơ gặp nạn của Lion Air bay lần đầu tiên hôm 15-8 và hãng hàng không nói nó đã được một chuyên gia về máy bay Boeing chứng nhận đủ tiêu chuẩn vận hành trước chuyến bay định mệnh.