Đồng quan điểm, ông Scott Seaman, Giám đốc khu vực châu Á tại hãng tư vấn Eurasia, cũng cho rằng nếu tên lửa bay theo quỹ đạo thẳng, thì nó có thể bay được hơn 13.000 km và vươn tới những khu vực rất xa như thủ đô Washington của Mỹ.
Trong khi đó, các chuyên gia khác thận trọng cho rằng tầm bắn của tên lửa vẫn là một ẩn số. Chuyên gia Michael Elleman thuộc Viện Chiến lược Nghiên cứu Quốc tế (IISS) và cũng là nhà phân tích của trang tin chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên 38 độ Bắc, cho hay phải mất một năm nữa Triều Tiên mới có thể chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới bờ Tây của lục địa Mỹ.
Theo ông, Triều Tiên sẽ cần tiến hành thêm nhiều vụ thử nữa để kiểm tra hiệu năng và độ tin cậy của tên lửa. Tuy nhiên, ngay cả khi tên lửa ICBM mới nhất của Triều Tiên có thể vào không phận của Mỹ, chưa chắc Bình Nhưỡng đủ khả năng tấn công Washington bằng vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia Wright cũng cho rằng mọi dự đoán chỉ dựa trên những thông tin chưa chính thức, cần phải biết tải trọng tên lửa có thể mang theo mới có thể đánh giá tầm bắn thực sự của loại tên lửa này.
Các chuyên gia hiện quan tâm tới vấn đề Triều Tiên đã chế tạo đầu đạn hạt nhân nhỏ tới mức nào và liệu tên lửa nước này chế tạo có thể mang đầu đạn như vậy được không.
Ông Wright cho hay những chi tiết mới về loại tên lửa này so với ICBM Hwasong-14 mà Triều Tiên phóng thử hồi tháng 7 vừa qua sẽ được nghiên cứu rõ hơn nếu Bình Nhưỡng công bố các bức ảnh chất lượng cao về vụ phóng thử mới nhất, điều mà nước này thường hay làm sau các vụ thử thành công.
Tuyên bố trên cũng cho biết tên lửa Hwasong-15 là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên, đã bay 950km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475km.