Vẽ bệnh để dọa bệnh nhân
Ngày 9-9, anh B.V.N. (ở quận 2, là tài xế xe tải) thấy đi tiểu hơi rát nên đến bệnh viện quận khám. Sau khi khám bệnh, xét nghiệm, bác sĩ kết luận anh bị nhiễm trùng tiểu dưới và kê toa thuốc cho anh. Nhờ có bảo hiểm y tế, số tiền anh phải nộp thêm sau khi khám bệnh và lấy thuốc chỉ có 65.000 đồng. Trưa về, anh lên mạng gõ từ khóa về bệnh nam khoa để tìm hiểu kỹ về bệnh của mình, vào đúng website của Phòng khám Đa khoa Thăng Long. Cũng y như kịch bản mà phòng khám này đã đưa nhiều bệnh nhân vào tròng, nhân viên tư vấn của phòng khám liền chat với anh, cho anh mã số bệnh nhân và bảo nên đến ngay phòng khám vào lúc 19 giờ 30. Màn mở đầu là sự ân cần của 2 nhân viên và 1 bác sĩ người Trung Quốc tiếp anh, đề nghị đóng 1,6 triệu đồng để làm xét nghiệm. 15 phút sau đã có kết quả đáng lo ngại: lậu mãn tính, viêm niệu đạo, viêm đường tiết niệu, vôi tiền liệt tuyến. Anh phải đóng thêm 168.000 đồng để truyền dịch, với 2 loại thuốc chỉ định là Natriclorid 0,9% và Cammic 250mg.
Ngày hôm sau, 10-9, anh B.V.N. được đưa lên lầu 2, có 3 nhân viên và 1 bác sĩ “nước ngoài” khám, đưa anh ký vào một tờ giấy gọi là chấp nhận quy trình khám bệnh. Rồi lên lầu 5 khám lâm sàng, nhưng đây là phòng tiểu phẫu, một nhân viên luồn một ống nhựa dẻo vào niệu đạo, như lời cô nói là “thông niệu đạo và hút dịch ra”. Liền đó, một nhân viên khác đề nghị phải truyền thuốc liền, nếu không sẽ bị tràn dịch và ung thư, với 2 loại giá: thuốc nội giá 15 triệu đồng, phải truyền 2 lần (tổng cộng 30 triệu đồng); thuốc ngoại truyền một lần, giá 25 triệu đồng, bảo đảm “tẩy hết viêm nhiễm”.
Anh B.V.N. nói không có tiền, xin rút ống ra, nhưng các nhân viên một mực không đồng ý, khuyên “cứ làm đi, trả tiền sau cũng được”. Anh hoảng hốt và cuối cùng chọn gói 25 triệu đồng. Màn diễn kết thúc bằng “chiêu” truyền dịch với biên lai lên đến 30,2 triệu đồng. Anh vừa vét tiền mặt, vừa móc thẻ ATM, cuối cùng vẫn còn phải ghi nợ 17 triệu đồng. Ngày 11-9, anh tái khám và lại được truyền dịch với giá 4,2 triệu đồng. Hôm sau, anh quyết định vào Bệnh viện Bình dân chữa bệnh. Kết quả chỉ là viêm niệu đạo, tất cả tiền khám và thuốc uống chỉ tốn có 500.000 đồng và nay đã khỏe hẳn.
Sẽ còn bao nhiêu nạn nhân nữa?
Tìm kiếm trên mạng sẽ thấy hàng trăm bài báo về chuyện Phòng khám Đa khoa Thăng Long móc túi bệnh nhân. Đọc các đơn thưa và ghi nhận phản ánh từ các nạn nhân đã sập bẫy, sẽ thấy phòng khám này dùng thủ thuật moi tiền giống nhau. Anh T.P. (ở phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết, ngày 12-8 anh đến khám tại đây, dù chưa gặp bác sĩ thăm khám thì nhân viên đã yêu cầu đóng 1 triệu đồng để xét nghiệm, siêu âm.
Hơn 30 phút sau, khi có kết quả, chưa được bác sĩ tư vấn thì anh được đưa vào phòng tiểu phẫu để kiểm tra thông thường. 5 - 6 người, vừa nhân viên, vừa bác sĩ vào “thăm khám”, tiến hành gây tê vùng kín khiến anh hoảng hốt. Họ nói chỉ “súc rửa tuyến tiền liệt” rồi bổn cũ soạn lại, đưa ra giá các gói súc rửa từ 7 đến 15 triệu đồng, hối thúc bệnh nhân chọn lựa. Rồi “vẽ bệnh” khiến bệnh nhân lo âu, lại truyền dịch, lại tái khám đúng 7 ngày liên tục.
Một nạn nhân khác là chị N.T.K. (ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) phân tích: “Chiêu trò của Phòng khám Đa khoa Thăng Long là đẩy bệnh nhân vào tình thế đã rồi, khi trên giường bệnh, thân thể họ đang cài cắm các dây nhợ y tế, rồi mới thông báo giá cả điều trị, nên bệnh nhân không thể lắc đầu ra về”. Cái giá mà chị N.T.K. phải trả là 1,2 triệu đồng xét nghiệm, 5,8 triệu đồng súc rửa âm đạo. Biết mình bị lừa, chị kiên quyết ra về, đòi lại hồ sơ bệnh án và nhất mực không truyền dịch (giá 1,8 triệu đồng) dù nhân viên cứ đeo bám chị đến tận cầu thang phòng khám. Anh H. (ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kể: “Tôi chỉ đến đấy khám yếu sinh lý, mà phải trả đến 42 triệu đồng, đâu bệnh tật gì, vậy mà phòng khám cũng xét nghiệm, súc rửa, chiếu đèn, truyền dịch”.
Câu hỏi đặt ra: Sẽ còn bao nhiêu bệnh nhân thành nạn nhân của Phòng khám Đa khoa Thăng Long? Xin nhắc lại: Tháng 1-2017, do báo chí phản ánh nhiều lần và có nhiều đơn thưa của các bệnh nhân, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra và xử phạt Phòng khám đa khoa Thăng Long 32 triệu đồng, nhưng rồi nơi đây vẫn tiếp diễn những sai phạm: kỹ thuật hành nghề chưa có trong danh mục; nhân sự đăng ký hành nghề chưa có mặt đầy đủ; hồ sơ bệnh án chưa thực hiện theo quy định…
Tháng 3-2017, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã có văn bản trả lời Báo SGGP về phòng khám này, vẫn xác định các lỗi vi phạm như trước đây và “đang tiến hành các thủ tục theo luật định để ban hành quyết định xử phạt hành chính”. Tuy nhiên, những vấn đề mà báo và các nạn nhân đặt ra như kiểu “vẽ bệnh”, thủ thuật chuyên khoa, kiểu ra giá cho bệnh nhân… đã không được quan tâm, trả lời rõ ràng, cụ thể.
Anh T.P. (ở Quảng Nam) cho hay, ngày 7-9 anh và nhiều nạn nhân của Phòng khám Đa khoa Thăng Long gửi đơn đến Thanh tra Sở Y tế TPHCM. Sau đó, từ ngày 11-9 đến nay, anh đã gọi 4 lần đến cơ quan trên (số điện thoại 028.39309672) nhưng vẫn không được trả lời. Các nạn nhân khẳng định đang tiếp tục gửi đơn lên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) và sẵn sàng đối thoại với cơ quan chức năng để làm sáng tỏ các vụ việc, yêu cầu xử lý thích đáng sai phạm của Phòng khám Đa khoa Thăng Long.