Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu huyện Tuyên Hóa tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng bảo vệ hiện trường, thu hồi tang vật, truy tìm các đối tượng vi phạm.
Cùng với đó, công an tỉnh chỉ đạo công an huyện Tuyên Hóa phối hợp với đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương trong việc thu hồi gỗ, điều tra, xác minh, truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa kiểm tra, phối hợp với Công an huyện Tuyên Hóa lập hồ sơ vụ vi phạm và giám sát quá trình thu hồi số gỗ bị khai thác trái phép.
Cùng ngày, ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, hiện số lượng gỗ lậu bị phá và phát hiện không dừng lại ở con số 50m³ mà đã lên đến hơn 96m³. Vì đường đi hiểm trở, địa phương phải thuê người dân xã Thanh Hóa đưa gỗ tang vật từ hiện trường về trạm kiểm lâm Khe Núng trên thượng nguồn sông Gianh với chi phí 5,5 triệu đồng mỗi khối.
Theo đó, đội vận chuyển gỗ phải đắp hàng chục đập ngăn tích nước ở đầu nguồn, dùng săm ô tô bơm căn buộc vào từng phách gỗ lậu, nối chúng với nhau bằng xích, sau đó phá từng đập dâng từ cao xuống thấp mới có thể đưa hết gỗ tang vật về.
Với cách làm này, hiện mới chỉ đưa được 20m³ gỗ lậu, số còn lại phải mất ít nhất 1 tháng nữa mới có thể tập kết để đo đếm lần cuối.
Đây là vụ phá rừng phòng hộ xung yếu đặc biệt nghiêm trọng. Ông Tín cho hay, huyện đang chỉ đạo xây dựng hồ sơ để khởi tố vụ án nhưng cái khó là không tìm ra đối tượng phá rừng nên khó tìm ra người vi phạm lâm luật trong vụ này.