Tuy nhiên, để có kinh phí phục vụ cho hoạt động điều tra, khởi tố vụ án, cần khoản kinh phí gần 400 triệu đồng. Trong đó, chi phí giám định mẫu gỗ hết hơn 284 triệu đồng, chi phí khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định gần 103 triệu đồng.
Được biết, khi được duyệt kinh phí, Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa dự kiến sẽ lấy 50 mẫu gỗ để giám định tên gỗ, chủng loại gỗ, nhóm gỗ và mức độ quý hiếm, riêng khâu này chi phí hết 250 triệu đồng.
Ngoài ra, lấy 174 mẫu của 89 gốc, 18 cây bị cưa hạ, 23 lóng và 44 hộp còn tại hiện trường để giám định tính đồng nhất về chủng loại gỗ với kinh phí gần 35 triệu đồng.
“Sau khi lấy mẫu, sẽ gửi cho Viện Khoa học lâm nghiệp. Chúng tôi đã hỏi và họ báo giá như vậy, trên cơ sở đó mới có dự toán để xin kinh phí” ông Bùi Văn Duẩn, thông tin.
Lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa cho biết, sau khi cân đối ngân sách, UBND huyện này hỗ trợ hoạt động khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định gần 103 triệu đồng. Riêng kinh phí giám định mẫu gỗ hơn 284 triệu đồng, UBND huyện Hướng Hóa đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị và Sở Tài chính tỉnh xem xét hỗ trợ.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, qua 8 đợt kiểm tra ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, các đơn vị ghi nhận 89 cây gỗ bị đốn hạ, khối lượng trên 76m³. Trong đó, có cây gỗ còn nguyên cành nhánh với chiều dài hơn 30m, có đường kính thân khoảng 90cm với tuổi thọ hàng trăm năm bị đốn hạ. Hiện, UBND huyện Hướng Hóa tiến hành thành lập tổ chốt chặn, bảo vệ rừng trên đường vào khu vực rừng bị phá ở thôn Cát, Trĩa (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa).
>>> Video Rừng đặc dụng ở Quảng Trị bị chặt phá ngổn ngang: