Liên quan đến vụ phá rừng mà Báo SGGP đã phản ánh, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho PV Báo SGGP biết, đơn vị đã gửi báo cáo kết quả kiểm tra ban đầu về gỗ bị phá theo phản ánh cho UBND huyện Kbang.
Bước đầu, lực lượng kiểm lâm đã tìm thấy 2 vị trí phá rừng như Báo SGGP nêu, 2 vị trí này đều thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai.
Tại điểm phá rừng thứ 2, ngành chức năng phát hiện 10 cây (nằm ở địa giới hành chính xã Sơn Lang), khối lượng gỗ 16m3 (lâm tặc đã chở đi 14m3, còn hiện trường 2m3), ước tính thời gian khai thác trong tháng 11 -2017.
10 cây bị đốn hạ này có dấu cưa gỗ mới, không nằm trong hồ sơ vụ phá rừng đã xử lý nào trước đây.
PV thắc mắc, lúc đi thực tế PV thấy gỗ bị đốn hạ nhiều hơn khối lượng gỗ kiểm tra, đại diện Hạt kiểm lâm huyện Kbang thông tin, thời điểm kiểm tra trời mưa, đường lầy, anh em đi kiểm tra gặp khó khăn, xe bị té ngã. Nắng lên sẽ tiếp tục vào kiểm tra nữa. Sau khi có báo cáo chính thức sẽ trả lời cơ quan báo chí.
Thông tin sơ bộ ban đầu của ngành chức năng về vụ phá rừng còn nhiều điểm chưa làm PV thỏa mãn. Đặc biệt là ở chi tiết, cây gỗ đại thụ là cây trám trắng bị đốn hạ mà báo nêu, được xác định "anh em báo lại là nằm trong vụ án đã khởi tố vào năm 2015, 2016 gì rồi". Chưa thỏa mãn vì vị trí cây đại thụ bị chặt nằm cách đường Trường Sơn Đông không quá 1,5km, đường rộng thênh thang dễ vận chuyển.
Tuy nhiên ngành chức năng lại không vận chuyển mà để giữa rừng nhiều năm. Vậy nếu đã là gỗ vi phạm nằm trong hồ sơ từ 1 đến 2 năm trước, sao ngành chức năng không chở đi mà vẫn để lại rừng cho gió mưa làm hư hỏng, gây thiệt hại tài sản khi bán đấu giá sau này?
Ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, tại lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai từng xảy ra các vụ phá rừng và một số vụ đã khởi tố.
Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai đã bị kỷ luật về mặt Đảng và đề nghị UBND tỉnh không bổ nhiệm lại chức vụ giám đốc và phó giám đốc nữa.
Trước đó, Báo SGGP có nhiều tin, bài phản ánh vụ việc phá rừng ở 2 xã Sơn Lang và Sơ Pai (huyện Kbang).
Một số cây gỗ nằm “sát nách” chốt bảo vệ rừng Sơ Pai (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai) nhưng không hiểu sao vẫn bị đốn hạ.