Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, nên chăng, cơ quan quản lý nhà nước cần ra quyết định thu hồi tên gọi cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam một khi cuộc thi không được cấp phép tổ chức trong nước, tránh cho những rắc rối cũng như những ngộ nhận có thể phát sinh về sau. Chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến chung quanh vụ việc này.
Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM: Cơ quan quản lý phải trả lời rõ ràng
Việc chuyển nhượng bản quyền tổ chức một cuộc thi sắc đẹp của một công ty Việt Nam ở Việt Nam cho một tư nhân ở quốc gia khác là điều chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Chính vì là lần đầu tiên nên cần bình tĩnh nhìn nhận, phân tích dưới nhiều góc độ cho chặt chẽ hơn, tránh hậu quả đáng tiếc sau này. Bởi nếu xác định đúng tính chất và những quy định cần thiết đi kèm việc chuyển nhượng này thì đó sẽ là tiền lệ tốt cho những hành vi tương tự về sau, ngược lại, nếu không tính toán chặt chẽ, thấu đáo có thể sẽ tạo ra không ít hệ lụy.
Đầu tiên là vấn đề bản quyền. Về nguyên tắc, người sở hữu bản quyền được quyền bán, chuyển nhượng cho đơn vị khác. Thế nhưng liệu rằng việc sở hữu bản quyền một cuộc thi như cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam có được chuyển nhượng cho một đơn vị bên ngoài lãnh thổ Việt Nam khai thác bình thường như các loại sở hữu khác hay không?
Bởi một cuộc thi như thế này ở Việt Nam chắc chắn phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép tổ chức dựa trên những mục đích, tiêu chí, điều lệ… theo pháp luật hiện hành. Liệu những quy định, tiêu chí này khi chuyển nhượng cho một đối tác ở ngoài Việt Nam có còn được đảm bảo.
Chưa kể, một cuộc thi nhan sắc gắn với tên Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài liệu có an toàn, xét cả những yếu tố nhạy cảm liên quan đến văn hóa và chính trị nói chung. Việc bán quản quyền như thế, có đúng pháp luật, có cần được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước hay không?
Tất cả những câu hỏi đó cần được đặt ra và cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm trả lời rõ ràng, nếu không thỏa đáng, cần có điều chỉnh cho phù hợp. Đơn giản vì cuộc thi sắc đẹp này còn gắn với hai chữ Việt Nam nên sẽ không giống với việc bán một tài sản thông thường vì nó gắn với giá trị tinh thần.
Hiện tại các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam đều phải được cấp phép, còn ở các quốc gia khác - trong đó có quốc gia mua bản quyền tổ chức cuộc thi liệu có bị điều chỉnh bởi luật pháp khi tổ chức. Nếu chúng ta ứng xử không thỏa đáng với trường hợp này, sẽ rất khó hành xử đối với những trường hợp còn lại. Ở đây, chúng ta không bàn đến khía cạnh nước ta có nên duy trì việc cấp phép tổ chức các cuộc thi sắc đẹp hay không, nhưng một khi quy định này còn tồn tại thì nó phải được áp dụng công bằng cho mọi trường hợp. Nếu không sẽ mang đến nhiều rủi ro cho cuộc sống.
Đạo diễn Trần Vi Mỹ: “Loạn vương miện” có trách nhiệm của truyền thông
Theo tôi, nếu bản quyền cuộc thi thuộc về công ty trong nước thì chuyện công ty chuyển nhượng cho bất kỳ đơn vị hay tổ chức, cá nhân nào là bình thường. Bản chất những cuộc thi này ở các nước cũng chỉ là hoạt động kinh doanh mà thôi. Đó là lý do bạn thấy ở Mỹ, các cuộc thi nhan sắc có thời điểm diễn ra hầu như mỗi tuần, có tiền thì tổ chức, có tiền thì đi thi để tìm kiếm vương miện.
Ai cũng biết, những cuộc thi dạng này ở hải ngoại nói chung và Mỹ nói riêng đều chỉ dạng “ao làng”, nên khi biến một cuộc thi từng mang tầm vóc quốc gia ở Việt Nam thành cuộc thi “ao làng” ở xứ người thì có chăng đó là điều đáng tiếc.
Thế nên, ở thời điểm này đặt vấn đề thu hồi tên gọi cuộc thi tôi nghĩ không thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu cuộc thi có hoạt động tuyển sinh trong lãnh thổ Việt Nam như thông báo của ban tổ chức thì lại là chuyện khác. Khi đó cần phải có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước, nếu đơn vị tổ chức vẫn không xin phép thì chắc chắn sẽ bị xử lý. Còn hiện nay họ chưa có hoạt động gì cũng không thể nói là sai được.
Trở lại câu chuyện vì sao cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam lần này lại được quan tâm nhiều. Có lẽ một phần vì những sai phạm của cuộc thi này trong quá khứ, thứ hai là tình hình “loạn” danh hiệu hoa hậu, nhất là những cuộc thi tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn đang diễn ra tràn lan.
Để hạn chế tình trạng “lách luật” như trường hợp cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam cũng như tình trạng “loạn” vương miện như thời gian qua, có lẽ nên đặt vấn đề trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí.
Nếu báo chí kiên quyết tẩy chay, không đưa tin về những cuộc thi như thế này, những danh hiệu này không được nhắc đến thì chắc chắn chúng sẽ không có đất sống. Truyền thông còn quan tâm, báo mạng còn quan tâm thì những cuộc thi như thế này vẫn còn đất sống.