Ngày 20-3, liên quan tới việc nhiều trẻ nhỏ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) bị nhiễm sán heo nghi do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất nhà sơ chế rau của Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hương Thành (Công ty Hương Thành) ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Công ty Hương Thành là đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường Mầm non xã Thanh Khương và 18 trường học khác trên địa bàn huyện Thuận Thành.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Hương Thành đang tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng đại diện doanh nghiệp này cũng đã xuất trình được cho đoàn kiểm tra các giấy tờ liên quan, hợp đồng cung cấp các sản phẩm theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, như: hợp đồng rau củ quả an toàn với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá; hợp đồng thịt heo, bò, gà với một số hộ kinh doanh. Tuy nhiên, Công ty Hương Thành chưa cung cấp được hồ sơ kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ngoại tỉnh của nhà cung cấp tại Bắc Ninh trước khi giao hàng cho công ty và không thực hiện kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ngoại tỉnh đối với các sản phẩm động vật cung cấp cho các bếp ăn tại tỉnh Bắc Ninh.
Cũng liên quan tới việc nhiều trẻ mầm non ở Thuận Thành bị nhiễm sán heo, hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh và huyện Thuận Thành vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân lây nhiễm. Ngoài việc đình chỉ công tác với bà Cao Thị Hòe (Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Khương), UBND huyện Thuận Thành tiếp tục ra quyết định đình chỉ công tác thêm một số cán bộ có liên quan, trong đó có bà Nguyễn Thị Minh Tuân (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương).
Cùng ngày, Công an huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Bá Mạnh (32 tuổi, ở thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành) về hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.
Qua điều tra, cơ quan công an phát hiện sau khi nhiều gia đình ở Thuận Thành đưa trẻ nhỏ đi xét nghiệm sán heo thì tài khoản Facebook “Côngnông Đầudọc” do Nguyễn Bá Mạnh lập có đăng tải thông tin sai sự thật về việc sử dụng thịt heo nhiễm sán tại Trường Mầm non xã Ngũ Thái. Tại cơ quan công an, Mạnh thừa nhận đã tải 2 hình ảnh thịt heo nhiễm sán trên mạng Internet, sau đó đăng lên Facebook cá nhân kèm theo nội dung bịa đặt là: “Cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng, không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán...”.
Cùng ngày, Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt hành chính với một cá nhân số tiền 10 triệu đồng do đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook. Trước đó, qua công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng phát hiện ngày 18-3, trên trang Facebook cá nhân “H.T.T” đăng tải thông tin, hình ảnh kèm theo lời dẫn “chợ Lộc Phát, TP Bảo Lộc thời gian gần đây chuyên bán thịt heo nhiễm sán”.
* Ngày 20-3, Bộ NN-PTNT cho biết, vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hành động ứng phó cụ thể của địa phương bảo đảm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất trong phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi; lưu ý hướng dẫn chủ vật nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất, từ hộ, trang trại chăn nuôi heo ra các khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao; tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng người và phương tiện vận chuyển, dụng cụ; có biện pháp ngăn chặn các loại chim, côn trùng, loài gặm nhấm có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào…
Cùng với đó là tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm heo qua địa phương, bố trí đầy đủ lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với heo và sản phẩm heo vận chuyển qua địa bàn, nhất là các địa phương có đường giao thông vận chuyển hàng hóa từ phía Bắc vào phía Nam; tạm dừng vận chuyển heo, sản phẩm heo từ các vùng có dịch ra khỏi địa bàn (vùng có dịch) trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con heo cuối cùng mắc bệnh dịch tả heo châu Phi được tiêu hủy trên địa bàn…
Cùng ngày, Thừa Thiên - Huế thiết lập thêm 3 chốt kiểm dịch mới tại các xã Phong Hòa, Phong Bình và Điền Hương - những địa phương lân cận ổ dịch tả heo châu Phi thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ, với sự tham gia của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ thú y xã và CSGT Công an huyện Phong Điền.