Việc này đã gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía các nhà nghiên cứu khoa học và dư luận, yêu cầu công khai dự án này; đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học để tư vấn xem xét, đánh giá kỹ lưỡng yếu tố môi trường trước khi đem bùn thải đổ xuống biển.
Bùn cát chứ không phải bùn thải?
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm trên 400.000m³ bùn thải nạo vét đổ xuống vùng biển Quy Nhơn. Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0, chất thải gồm đất bùn, cát... Mục đích chính của việc nạo vét lớp trầm tích trong bùn để nhận chìm xuống biển là khơi thông luồng chảy để bảo đảm việc ra vào cảng Quy Nhơn của các phương tiện tàu thuyền.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 1-11, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Đây không phải bùn thải, chất thải gì mà là cát bồi lắng ở các dòng sông ra cửa biển gần bờ. Giờ mình nạo vét rồi đem ra ngoài biển đổ lại thôi. Nếu không thực hiện nạo vét thì mùa lũ, nước lũ cũng đẩy ra ngoài biển thôi”.
Về vấn đề tác động môi trường, ông Trần Châu cho rằng: “Trước đây họ đã có làm như vậy nhiều lần cũng không có ảnh hưởng gì nhiều. Tỉnh sẽ cho phép thực hiện dự án này vì nó không ảnh hưởng môi trường gì lắm, với lại nhu cầu của tỉnh là phải thực hiện chứ không làm thì tàu bè mắc cạn không ra vào được…”.
Ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, giải thích thêm: “Đây là bùn cát nạo vét, bản thân bùn đó nằm trong biển. Hiện nay, do cảng Quy Nhơn qua nhiều năm qua bùn bồi lắng khiến những tàu lớn rất khó khăn trong việc cập cảng. Cục Hàng hải Việt Nam đưa ra kế hoạch nạo vét và đã được Bộ GTVT đồng ý. UBND tỉnh Bình Định giao Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị chức năng xem xét để khơi thông luồng lạch, đồng thời bảo vệ môi trường cũng như du lịch của tỉnh nhà”.
Nhận chìm hay đổ trôi?
Liên quan đến vấn đề này TSKH Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết: “Tỉnh Bình Định cần lấy bài học ở Bình Thuận để rút kinh nghiệm và thận trọng đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường. Việc nhận chìm thì bao giờ cũng phải có tác động đến môi trường, nhưng đấy cũng là một hoạt động kinh tế. Quốc tế đã có 2 tài liệu hướng dẫn, để tránh được tác hại môi trường vừa đem lại thuận lợi cho kinh tế thì phải thực hiện đúng quy phạm. Nếu cứ lấy quyết định hành chính ra để thực hiện, ban hành, cấp phép là không được”.
Theo TSKH Nguyễn Tác An, cần phải có bản đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép nhận chìm. Phải thực hiện một cách bài bản và xem xét, thẩm định nhiều yếu tố tác động đến môi trường. Về vị trí, thời điểm và dùng công nghệ gì để thực hiện nhận chìm là đổ trôi hay gói chôn như các nước trên thế giới người ta đã làm. “Khoảng cách không quan trọng, quan trọng là cách thực hiện như thế nào? Phải có nghiên cứu rõ ràng, tính toán làm sao để không gây thiệt hại đến môi trường và đặc biệt đảm bảo cuộc sống của người dân, du lịch. Một điều nữa cần xem thử bùn thải đó họ có nuôi lồng, nuôi bè cá gì không. Sau khi có bản đánh giá tác động môi trường rồi cần công khai cho người dân và báo chí. Phải thực hiện theo lợi ích chung chứ không vì lợi ích cá nhân nào.
Quan trọng hơn nữa là phải xem lại năng lực của đơn vị, công ty nhận chìm này nữa”, TSKH Nguyễn Tác An đưa ra lời khuyên và nhấn mạnh: “Không nên ngộ nhận bùn đó ở biển đem đổ lại biển vì ở ngoài cứ nghĩ rằng biển mênh mông nên đổ vài trăm ngàn tấn không sao. Trầm tích dưới biển nó nằm yên thì không sao nhưng tác động vào đó thì ảnh hưởng ghê gớm lắm. Không chỉ ảnh hưởng riêng vùng biển Bình Định mà cả những tỉnh lân cận nữa…”.