Cụ thể, Ngân hàng Eximbank vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ tạm ứng 14,89 tỷ đồng để bà Bình giải quyết vấn đề tài chính của gia đình. Đồng thời, nêu rõ việc tạm ứng này không có nghĩa là Eximbank thừa nhận lỗi và trách nhiệm đối với thiệt hại của bà Bình do hành vi của ông Lê Nguyễn Hưng thực hiện khi chưa có quyết định có hiệu lực của tòa án.
Lãnh đạo Eximbank vẫn giữ quan điểm chờ quyết định của tòa, sau đó sẽ tiếp tục xử lý theo các cơ sở pháp lý.
Sau khi làm việc với Ngân hàng Eximbank, trao đổi với PV Báo SGGP chiều 6-3, bà Chu Thị Bình cho biết, bà đã rất kiên nhẫn làm việc với ngân hàng này nhưng cho đến nay, Eximbank vẫn chưa giải quyết thỏa đáng quyền lợi của người gửi tiền là bà.
“Việc tiền từ ngân hàng bị ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM rút trái phép và các nhân viên ngân hàng Eximbank làm giả văn bản ủy quyền, ký giả người nhân ủy quyền, giả chứng từ, sai quy trình kiểm soát là Eximbank không phát hiện ra là do lỗi của ngân hàng. Tại sao bắt người gửi tiền chịu?”- bà Bình bức xúc cho biết.
Bà Bình cũng cho biết, đã rất nhiều lần lãnh đạo Ngân hàng Eximbank hứa khi có kết luận điều tra thì giải quyết cho bà, nhưng đến khi có kết luận của cơ quan điều tra (Cơ quan Cảnh sát Điều tra phía Nam C44B - Bộ Công an - PV) đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì lại cho rằng kết luận này chưa đủ, chờ ra tòa.
“Tiền của tôi gửi tại Eximbank có giấy tờ, tôi vẫn đang giữ sổ tiết kiệm bản gốc nhưng số tiền bị mất thì tại sao tôi phải chờ phán quyết của toà mới được tất toán số tiền tôi đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng? Hơn nữa, việc thỏa thuận trả 14,89 tỷ đồng ứng trước để giải quyết khó khăn của gia đình và yêu cầu tôi phải bảo mật thông tin là điều vô lý nên tôi không chấp nhận. Giả sử tôi đi vay tiền ngân hàng về làm ăn mà đi giữa đường bị lấy mất. Đến ngày phải trả nợ thì tôi có được chờ tìm được người lấy trộm về tôi mới trả tiền cho ngân hàng được không?”- bà Bình nói.
Bà Bình cho biết, bà vẫn mong muốn Ngân hàng Eximbank phải trả đủ cả gốc và lãi tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm của bà bởi việc đảm bảo an toàn tiền gửi là thuộc trách nhiệm của ngân hàng.
Về việc này, luật sư Phan Trung Hoài, người đại diện pháp luật cho bà Chu Thị Bình giải thích: Theo quy định của Ngân hàng Eximbank, trong trường hợp khách hàng ủy quyền rút tiền cho người khác thì người được ủy quyền phải có sổ tiết kiệm. Còn giấy ủy quyền phải được lập tại Eximbank hoặc phải có công chứng, chính quyền địa phương xác nhận. Trong khi hiện bà Chu Thị Bình đang giữ 3 cuốn sổ tiết kiệm gửi tiền vào Eximbank mà số tiền 245 tỷ đồng đã “biến mất”.
Chính vì thế, theo luật sư Phan Trung Hoài, việc Eximbank yêu cầu chờ phán quyết cuối cùng của tòa án rồi mới trả số tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình có thể sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ tiền gửi giữa khách hàng và ngân hàng.
Cơ quan điều tra thông báo để ngân hàng biết, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Eximbank đối với khách hàng theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng thông báo cho bà Bình biết liên hệ với Eximbank chi nhánh TPHCM để yêu cầu giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của bà.