(SGGP).- Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, cho biết, chiều 15-9, UBND tỉnh đã có cuộc họp với Công ty Bross & Partners để bàn cách đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ Công ty Bross & Partners, cho biết: Nếu dùng biện pháp khởi kiện, kinh phí sẽ mất khoảng 9.000 - 10.000USD và khả năng chắc thắng sẽ rất lớn. Trước mắt, UBND tỉnh Đắc Lắc sẽ dùng biện pháp ngoại giao và nếu dùng biện pháp này không thành công, tỉnh sẽ đứng ra khởi kiện công ty đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc.
Ngày 15-9, tại cuộc họp Câu lạc bộ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu thuộc Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), tổ chức ở TPHCM, các doanh nghiệp đã thống nhất mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn cà phê niên vụ 2011-2012. Thời gian mua tạm trữ từ tháng 11-2011 đến tháng 1-2012 và thời gian tạm trữ 6 - 9 tháng.
Đây là cách chủ động điều tiết thị trường, tránh rủi ro khi bán trao tay, đặc biệt trong bối cảnh giới kinh doanh cà phê nước ngoài cho rằng, niên vụ mới Việt Nam trúng mùa và có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Một ban điều hành sẽ được thành lập gồm những công ty tham gia mua tạm trữ nhằm theo dõi, kiểm tra, trao đổi những khó khăn xảy ra để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, ổn định giá cả nhằm bảo đảm lợi nhuận khoảng 30% trở lên cho người trồng cà phê và lợi nhuận của doanh nghiệp. Tại cuộc họp, 16 công ty đăng ký cùng mua 432.000 tấn cà phê khi vào niên vụ mới.
Theo Vicofa, niên vụ cà phê 2010-2011 chấm dứt vào tháng 9 này, Việt Nam xuất khẩu trên 1,25 triệu tấn, thu về khoảng 2,7 tỷ USD.
C.Hoan - C.Phiên
- Nguy cơ mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột