Ngày 10-4, UBND huyện Minh Hóa, Quảng Bình cho biết, liên quan thông tin người Mày ở bản Lòm (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) vào rừng “trốn covid-19”, ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện đã có chuyến đi kiểm tra và ký báo cáo số 337/BC-UBND ngày 9-4.
Ông Lĩnh khẳng định rằng: “Không có bà con vào rừng để trốn dịch” mà đi làm rẫy.
Tuy nhiên, vào ngày 7-4, bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cùng cán bộ xã, công an xã và Chính trị viên - Phó Đồn biên phòng Ra Mai, Bí thư chi bộ bản Lòm đã cùng ký vào biên bản được lập lúc 13 giờ với một số nội dung: “Sau khi tiếp nhận thông tin có một số hộ dân bản Lòm vào rừng trốn dịch Covid-19, đoàn công tác đã tổ chức rà soát tận từng nhà, nắm lại thông tin thực tế và thống nhất các nội dung; tại thời điểm xác minh, bản Lòm có 82 hộ, 426 khẩu, trong đó 15 hộ với 51 khẩu hiện đang đi phát rẫy tại các khu vực đất sản xuất cách bản từ 15-30 phút đi bộ. 20 khẩu thuộc 9 hộ tại xóm Ka Chăm đang ở trên đầu nguồn khe Pờ Re vì sợ Covid-19. Số khẩu của các hộ còn lại hiện đang ở nhà. Sau khi tiến hành nắm thông tin từng hộ gia đình và người có uy tín của bản, đoàn công tác xác định có 20 khẩu của 9 hộ tại xóm Ka Chăm đang ở đầu nguồn khe Pờ Re. Khi tổ công tác liên hệ và trao đổi thì bà con nhất trí sẽ trở lại bản trong 2 ngày 7 và 8-4”.
Biên bản này nói lý do bà con trốn vào rừng để tránh dịch bệnh Covid-19: “Nguyên nhân bà con vào rừng trốn là do khi xem các bản tin trên tivi thấy có nhiều cảnh về dịch ở các nước châu Âu, Mỹ nên sợ”.
Trong biên bản này đề xuất phương hướng xử lý: “UBND xã Trọng Hóa phối hợp với tổ vận động quần chúng đồn biên phòng Ra Mai, tiếp tục tuyên truyền bà con thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, động viên bà con không hoang mang. Các đồng chí Bí thư Chi bộ, trưởng bản, người có uy tín thực hiện trách nhiệm thông báo vận động 20 khẩu, thuộc 9 hộ xóm Ka Chăm trở về nhà như đã cam kết”.
Kết luận biên bản nêu rõ: “Biên bản kết thúc hồi 13 giờ 30 phút ngày 7-4-2020, được đọc lại cho các thành phần nghe, không ai có ý kiến gì thêm và nhất trí ký vào biên bản”.
Tuy nhiên, ngày 8-4, ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng phòng LĐTB-XH, phòng Dân tộc đi kiểm tra đã không hỏi xã về biên bản được lập ngày 7-4. Khi được chất vấn vì sao không sát sao cơ sở xã để được biết biên bản?, ông Lĩnh trả lời qua điện thoại là: “Không cần biết”.
Ông Lĩnh cũng thừa nhận cuộc kiểm tra của ông chỉ ghi chép trong sổ mà không lập biên bản sự việc kiểm tra và từ đó ông Lĩnh làm báo cáo lệch so với biên bản đầy đủ của đoàn công tác do bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa dẫn đầu.
Trao đổi với PV Báo SGGP Online, bà Thoi nói biên bản ngày 7-4 là đúng thực tế.