Vụ người cha đánh bạn của con nhập viện: Nạn nhân không chỉ một người

Cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Thượng Mỹ (Quảng Ngãi) - người đánh cậu học sinh L.G.K. thương tích 12% gây bức xúc dư luận. Thực trạng bạo lực học đường, phụ huynh đánh bạn của con đang ngày càng báo động. Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia đã dành cho Báo Sài Gòn Giải Phóng Online cuộc trao đổi liên quan.

Phóng viên: Trong vụ việc đau lòng nói trên, cả những câu chuyện tương tự, nạn nhân dường như không chỉ một mình em K., thưa bà?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Đúng vậy. Đã đành nạn nhân là người trực tiếp bị hành hung, bạo hành, nhưng đứa trẻ là con của người sử dụng bạo lực với bạn mình cũng đang là nạn nhân. Và bạn học trong lớp, chung trường của các em chịu tổn thương không kém. Trước tiên là trải qua một cú sốc lớn, sau là các em mất niềm tin vào nhau và vào người lớn. Các em sẽ trở nên nhạy cảm.

Còn chúng ta, người lớn, cộng đồng khi nắm bắt vụ việc không tránh khỏi cảm giác chán nản, bi quan về vấn đề giáo dục, nuôi dạy con em, cũng như việc xây dựng, phát triển các mối quan hệ trong nhà trường, xã hội.

z4991626124896-cddb4817b16d96eb54166cc0ee37ba6b-9887-4595.jpg
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy

Xin bà chia sẻ cách để giúp những đứa trẻ - nạn nhân trực tiếp lẫn gián tiếp của bạo lực học đường, bị người lớn hành hung vượt qua cú sốc này?

Tôi tin rằng các em đang rất cần một buổi trò chuyện tâm lý để hóa giải tâm tư, nỗi lòng mình. Ở đó, các khúc mắc của sự việc được làm rõ, nhằm giúp các em hiểu biết, phân định đúng sai. Chúng ta không nên chỉ khép lại sự vụ bằng sự vào cuộc của cơ quan chức năng hay một kết luận, vì có những mâu thuẫn, cảm xúc tiêu cực đang hình thành, âm ỉ trong các em, cần sớm giải tỏa để tránh “cái sảy nảy cái ung”. Nhà trường phải gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin và giải đáp mọi thắc mắc của học sinh liên quan vụ việc, khơi gợi để các em nói ra cảm xúc. Đôi khi, việc nói ra được nỗi lòng sẽ giúp không hình thành vết thương.

Nếu không được giải tỏa tâm lý, các em không chỉ đang chịu chấn thương tinh thần, ảnh hưởng lâu dài sức khỏe tâm lý, mà hệ lụy còn phát sinh những vụ bạo lực khác tương tự trong tương lai.

Đối với đứa trẻ là nạn nhân trực tiếp của những vụ bạo lực học đường hay bị phụ huynh của bạn hành hung, cần được giúp đỡ rất nhiều. Chắc chắn, tinh thần của các em đang có sự bất ổn, như lo sợ hoặc uất ức, bức xúc, tức giận. Phụ huynh cần đồng hành cùng con, quan tâm, yêu thương, chia sẻ và quan sát để có sự can thiệp và kịp thời tháo gỡ. Tốt nhất trong trường hợp này, trẻ cần được trò chuyện với chuyên gia tâm lý để chữa lành vết thương. Nhiều phụ huynh thấy con im lặng thường chủ quan cho qua, nhưng đó thường là lúc trẻ chất chứa tâm sự, cần được nói ra và cần được lắng nghe. Chúng ta phải động viên, giúp các con nói ra cả những điều không nói được, như cảm giác muốn trả thù hoặc có ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống.

Ngoài ra, trong những tình huống thế này, tâm lý phụ huynh thường ấm ức, dễ khơi gợi và trò chuyện với người khác bằng thái độ thù hằn. Điều này vô tình đào sâu mâu thuẫn trong lòng con, làm con tổn thương hơn. Do đó, nếu không thể dừng lại, phụ huynh cần nói những điều tích cực để xoa dịu cảm xúc của con. Và, chính phụ huynh cũng là người cần vượt qua cú sốc, bởi không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận, chịu đựng, thứ tha cho người hành hung con cái mình.

Riêng đứa trẻ có phụ huynh bạo lực, thông thường đang gánh chịu sự xấu hổ, mặc cảm, không còn dám tiếp xúc với bạn bè và thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ bỏ học vì lỗi của cha mẹ khiến mình thấy “mất mặt”. Cũng như nạn nhân trực tiếp, đứa trẻ này cần sự quan tâm, quan sát và kịp thời chữa lành.

danh-hoc-sinh-a-1702907289477-3141-493.jpg
Nạn nhân vụ việc không chỉ mình cậu bé bị hành hung

Chuyện phụ huynh hành hung bạn của con không còn hiếm gặp, theo bà, thực trạng đáng quan ngại này có nguyên nhân từ đâu?

Thẳng thắn mà nói, đó là sự suy thoái đạo đức xã hội. Có hiểu biết và đặc biệt, có sự tử tế và tình người, biết tôn trọng lẫn nhau thì không ai có thể sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, trong từng trường hợp cần xem xét nguyên nhân. Có trường hợp vì phụ huynh, người lớn không tìm được tiếng nói chung, ghét hờn, bức xúc nhau khiến họ tìm đến con cái, người thân của đối phương để trút giận.

Tôi cũng biết có một bộ phận cha mẹ chỉ cần nghe con thua thiệt một chút so với bạn bè là lập tức “hổ báo”. Họ muốn mình và con mình ở một đẳng cấp khác, “trên cơ”, do đó hành xử theo cách “không để ai dám chạm vào mình”. Cần nói rõ, cách làm này rất gây hại cho con, vô tình tạo sự phân tầng, cô lập con và điều này dễ dẫn đến xảy ra bạo lực học đường, nơi con mình là thủ phạm hoặc nạn nhân.

Cũng có những phụ huynh để cảm xúc kiểm soát lý trí. Họ không có kỹ năng xử lý tình huống. Nhiều nghiên cứu cho thấy người mắc các triệu chứng rối loạn tâm thần ngày càng tăng, tâm lý bất ổn khiến không làm chủ hành vi. Mọi hành vi, ứng xử đi ngược với giá trị chung của xã hội đều bị lên án, hoặc xử lý tùy mức độ, nhưng tôi cho rằng, chính họ cũng cần được hỗ trợ về mặt tâm lý, tinh thần để không tái lặp sau này, đặc biệt không “ôm hận”.

Và dù nguyên nhân thế nào, thì việc đánh người khác đều không thể chấp nhận, không ai có quyền xâm phạm thân thể của người khác, nhất là đánh những đứa trẻ là bạn của con cái mình.

Lựa chọn kể với cha mẹ, người lớn về các mâu thuẫn học đường, là quyết định rất đúng của các em. Nhưng người lớn, đặc biệt những ông bố, bà mẹ cần ứng xử ra sao trước xung đột này của các con, thưa bà?

Đứng ngoài mâu thuẫn bằng sự khách quan và trách nhiệm nhất có thể. Điều này giúp chúng ta đủ bình tĩnh để làm việc với tất cả các bên liên quan, từ giáo viên, bạn của con, ban giám hiệu để tìm hiểu câu chuyện và tìm kiếm cách giải quyết tích cực, trên cơ sở phối hợp nhà trường. Người lớn không thể chỉ nghe một tai và đặc biệt không nên tự xử.

Phụ huynh, kể cả học sinh tự xử các vấn đề học đường là điều rất nguy hiểm và cho thấy sự coi thường pháp luật. Vụ việc ở Tuyên Quang vừa rồi là ví dụ. Các em hoàn toàn có thể phản ứng bằng cách trình bày, gửi yêu cầu, kiến nghị lên nhà trường, nhờ phụ huynh làm việc với ban giám hiệu để có biện pháp giải quyết nếu cô giáo sai, không nên đồng loạt dồn cô giáo vào tường một cách bạo lực và trái đạo đức, tôn ti trật tự như vậy. Ngoài ra, chúng ta cũng có rất nhiều cơ quan chức năng bảo vệ phụ huynh và con em, với những quyền về khiếu nại, tố cáo.

screenshot-2023-12-20-102728-751.png
Phụ huynh, học sinh tự xử các vấn đề học đường rất nguy hiểm, coi thường pháp luật

Chúng ta nói nhiều về trường học an toàn. Trong những câu chuyện học sinh bị hành hung thế này, có lẽ cũng cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của nhà trường?

TPHCM và nhiều địa phương đang xây dựng môi trường trường học hạnh phúc, tiêu chí là yêu thương, an toàn, tôn trọng. Không chỉ phòng ngừa, nhà trường còn phải tích cực vào cuộc xử lý các mâu thuẫn học đường, hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn cho học sinh, giáo viên.

Đặc biệt, giải quyết câu chuyện bạo lực học đường phải triệt để, tuyệt đối không nửa vời vì nửa vời sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn dẫn đến những vụ việc tương tự, với mức độ nghiêm trọng hơn. Vụ việc em M. ở Nha Trang tự vẫn với lá thư tuyệt mệnh bị đổ oan đầu tháng 10 vừa qua là một ví dụ về giải quyết không triệt để.

Việc xây dựng trường học hạnh phúc nếu triển khai “đến nơi đến chốn”, sẽ góp phần rất lớn cải thiện tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường sống và học tập bình an cho các con.

Từ nhiều sự vụ học sinh bạo hành lẫn nhau, giáo viên bạo hành học sinh, phụ huynh hành hung giáo viên và bạn của con. Tam giác phối hợp bảo vệ học sinh là nhà trường - gia đình - xã hội phải chăng đang có một lỗ hổng lớn, thưa bà?

Câu chuyện này có liên quan đến niềm tin của phụ huynh với nhà trường. Tại sao phụ huynh lại chọn cách tự xử? Chúng ta cũng cần phải xem lại cách giải quyết vấn đề của nhà trường đã rốt ráo chưa, coi trọng lợi ích của tất cả các bên liên quan chưa hay chỉ đang xoa dịu?

Người ta chỉ tìm đến nhau khi có niềm tin vào nhau. Thực trạng phụ huynh chọn cách chuyển trường cho con cũng nói lên điều này. Đây là cách chạy trốn của phụ huynh với mong muốn con được an toàn, hạnh phúc hơn ở môi trường mới. Xây dựng niềm tin cho phụ huynh, xã hội cần được chú trọng và với mỗi một trường hợp phụ huynh yêu cầu chuyển trường cho con - đang rất phổ biến - nhà trường cần xét kỹ các nguyên nhân và hóa giải.

396560956-7439525266058183-2441375234156535907-n-4205.jpg
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy trong một buổi dạy kỹ năng cho học sinh

Xin bà cho biết đâu là giải pháp căn cơ cho tất cả những câu chuyện bạo lực nói trên?

Để trẻ không là nạn nhân của bạo lực học đường, phụ huynh cần đồng hành và giúp con có sự hiểu biết, ý thức trước vấn đề này. Dạy con kỹ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc rất quan trọng và điều này không thể chỉ dựa vào những khóa học kỹ năng sống, mà là từ cách cư xử của người lớn, cha mẹ, thầy cô.

Không có tấm gương nào tốt hơn cho con trẻ bằng ứng xử, hành vi của người lớn. Vì vậy, không thể đòi hỏi trẻ nói không với bạo lực học đường khi trong chính từng gia đình, xã hội, người lớn vẫn đối xử với nhau bằng bạo lực.

Xin cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục