Người dân ở đây đã gửi nhiều đơn thư hoặc phản ánh tới UBND xã An Tân nhưng chưa được giải quyết nên tiếp tục gửi đơn lên UBND huyện Thái Thụy để kêu cứu.
Nhóm PV Báo SGGP đã đến UBND huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) để tìm hiểu thêm thông tin. Ông Lê Văn Nghiên, Chánh Văn phòng UBND huyện Thái Thụy, cho biết đã nắm vụ việc này. “Sau khi nhận được đơn của bà con, huyện đã giao cho xã giải quyết. Mấy hôm nay, chủ tịch xã điện liên tục lên huyện để huyện cử lực lượng chức năng về xác định nguyên nhân”, ông Nghiên cho biết.
Tuy nhiên, Chánh Văn phòng UBND huyện Thái Thụy cho rằng, bà con nông dân ở xã này khi gặt xong vụ mùa thường để ruộng hoang, không chịu làm đất, cày ải, phơi ải… nên cỏ dại ăn hết chất trong đất, vì vậy lúa vụ chiêm thường năng suất kém (chỉ được vài chục cân mỗi sào Bắc bộ, không phải đạt 2-2,5 tạ/sào như bà con thông tin).
Ông Nghiên nói thêm: “Chúng tôi đã giao Phòng NN-PTNT xuống xác minh. Nếu xác minh lúa chết đại trà thì có thể do thẩm thấu (mặn) qua đê. Đồng thời cũng xác định việc canh cống, xem chính quyền cơ sở mở nước, tháo nước như thế nào. Nếu lúa chết lỗ chỗ, theo vùng thì phải xem xét ở nguyên nhân khác”.
Khi được liên hệ để tìm hiểu thêm lý do đồng ruộng có dấu hiệu bị “ngộ độc” mặn nhiều tháng nay, ông Nguyễn Thành Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, trả lời: “Tôi khẳng định là do thời tiết”.
Điều khiến nhiều hộ dân bức xúc là đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chuyên môn của địa phương chỉ phỏng đoán mà chưa lấy mẫu nước, mẫu đất trên đồng ruộng để kiểm tra, tìm nguyên nhân. Người dân không được trả lời, làm rõ nguyên nhân nên rất hoang mang, bởi nếu đồng ruộng bị nhiễm mặn do xả nhầm nước mặn thì phải nhiều vụ sau mới có thể gieo trồng trở lại.