Những ngày qua, thông tin về gian lận thi cử đã khiến niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục giảm sút. Trao đổi với PV SGGP, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - một trong những chuyên gia luôn có tiếng nói thắng thắn đối với lĩnh vực giáo dục cho rằng: gian lận của người lớn làm khổ trẻ em.
*ÔNG NGUYỄN VIẾT CHỨC: Tôi thấy đau lòng lắm. Gian lận của người lớn làm khổ trẻ em. Trẻ con rất vô tư, thi thì cháu nào cũng muốn đỗ, nhưng chắc chắn các cháu không muốn đỗ bằng hình thức gian lận đó. Cuộc đời các cháu còn dài, cha mẹ lo cho con nhưng không thể lo cho con kiểu đó, lo cho con kiểu đó là giết con, làm hại con, rất không tốt.
Nhưng sự cố lần này cũng giúp báo động cho ngành GD-ĐT là đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục phải xem lại, xây dựng một triết lý học tập. Học trước hết phải để làm người. Bác Hồ đã dạy điều đó, nhưng người lớn chúng ta đang dạy cho trẻ thói "ăn gian nói dối" ngay từ khi còn nhỏ, như thế thì làm sao tốt được. Nhiều người lớn gian dối thì rõ rồi, bằng gian bằng giả, chạy chức chạy quyền rất nhiều, hay vì danh hão tranh cho bằng được cái danh GS, PGS. Người lớn hư hỏng thì chúng ta phải đấu tranh, nhưng đừng truyền bệnh gian dối đó cho trẻ em.
Vì thế, chúng ta phải xử lý thật nghiêm, thật nặng vụ gian lận thi cử ở Hà Giang cũng như các địa phương khác nếu có vì họ đã làm hư hỏng thế hệ trẻ. Nhưng cũng không coi đó chỉ là việc lợi dụng chức quyền làm sai quy định mà phải coi đó là việc suy thoái phẩm chất đạo đức, nếu là cán bộ của Đảng thì phải khai trừ khỏi Đảng.
* Nhân sự việc ở Hà Giang cũng như nghi vấn ở một số địa phương khác, nhiều người hiện đang thể hiện thái độ mất niềm tin sâu sắc vào nền giáo dục. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
* Hiện nay giả dối, bệnh thành tích có trong giáo dục và có trong nhiều lĩnh vực của xã hội. Muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục dĩ nhiên không thể chỉ trong ngành giáo dục vì tác động từ xã hội là rất lớn, vì thế phải xem trong bối cảnh để mạnh dạn đưa ra những vấn đề động chạm. Một mình giáo dục không thể đổi mới căn bản toàn diện được. Ví dụ, giáo dục muốn đào tạo chất lượng thực nhưng cơ chế tuyển dụng nhiều nơi lại chỉ cần tấm bằng, vậy thì làm sao giáo dục chất lượng thực được? Vì thế, đổi mới giáo dục nói chung, sửa luật giáo dục nói riêng phải đưa ra được những vấn đề liên quan đến các vấn đề xã hội.
*Khi vụ việc xảy ra, nhiều ý kiến chỉ trích Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chậm xuất hiện, không đứng ra xin lỗi nhân dân; còn Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - người có con, cháu ruột được sửa điểm trong vụ án nâng điểm ở Hà Giang cũng chưa có lời nhận lỗi. Ông nghĩ sao về điều này?
* Có thể người đứng đầu họ cũng không muốn điều gian dối đó xảy ra, mà do cấp dưới họ làm việc đó với một động cơ nào đó, chẳng hạn như nịnh nọt này nọ. Do đó bây giờ phải chờ kết luận thanh tra, điều tra của công an. Vụ ở Hà Giang đã khởi tố rồi, chúng ta sẽ chờ xem ai bị định tội, định tội thế nào sau khi có kết quả điều tra cụ thể.