
Sở TN-MT thành phố Đà Nẵng chính thức có kết luận mỏ đá quý “triệu đô” được khai thác tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chỉ là “loại đá thạch anh hồng kém chất lượng, không thuộc trong danh mục đá quý”. Tuy nhiên, sau khi thông tin này đưa ra, có một số ý kiến cho rằng, đá thạch anh hồng ở Hòa Ninh mặc dù các cơ quan chức năng xác định là không phải là mỏ đá “triệu đô” nhưng vẫn có giá trị lớn. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần giám định lại mẫu đá để có kế hoạch bảo vệ, quy hoạch, khai thác tránh thất thoát tài nguyên quốc gia…
Không có giá trị?
Những ngày đầu có thông tin về mỏ đá quý “triệu đô” ở Hòa Ninh, PV SGGP đã trực tiếp đi đến “mỏ” khai thác này để tìm hiểu vụ việc (Báo SGGP đã có bài phản ánh). Hiện trường có hàng trăm cục đá (với mỗi cục nặng chừng 2kg) và 2 tảng đá lớn, trên thân cũng có nhiều điểm có màu hồng, tím và trắng trong suốt, rất cứng và sắc bén. Hàng trăm cục đá nhỏ được người khai thác thải loại vì không đạt “chuẩn” và 2 tảng đá lớn được xác định là hai tảng đá có chứa thạch anh hồng với khối lượng lớn.

Một cục đá màu hồng được PV SGGP tìm thấy tại mỏ khai thác đá thuộc tiểu khu 44, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Ngay sau đó, một đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cảnh sát Môi trường (Công an TP Đà Nẵng), Thanh tra Sở TN-MT, Phòng TN-MT huyện Hòa Vang và UBND xã Hòa Ninh, Công an huyện Hòa Vang... Các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu mang về giám định và đưa ra kết luận là “đá thạch anh hồng kém chất lượng, không nằm trong danh mục đá quý”.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV SGGP, các cơ quan chức năng khi lấy “mẫu” chỉ là lấy những cục đá nhỏ mà người khai thác vứt ra ngoài và đa số bị rạn nứt do tác động bởi ngoại lực chứ không trực tiếp đục từ tảng đá lớn.
Điều có thể khẳng định là loại đá này sắc bén như dao lam (có nhiều cán bộ trong đoàn vô tình cầm vào đá và bị đứt tay).
Chính vì thế, khi các ngành chức năng đưa ra kết luận “là đá thạch anh hồng kém chất lượng” và “chỉ dùng để trang trí nhà cửa, xây hòn non bộ, tranh đá” là chưa thuyết phục bởi những mẫu đá này chỉ là những cục đã thải loại, kém chất lượng mà người khai thác bỏ lại hiện trường chứ không phải những cục đá được “chọn”.
Chính vì sự thiếu thuyết phục đó, nhiều người dân vẫn “đinh ninh” rằng, đây là loại đá quý và âm thầm khai thác loại đá này khi có cơ hội.
Thạch anh hồng vẫn có giá trị
Để tìm hiểu giá trị thực của đá được cho là “thạch anh hồng”, PV SGGP mang một viên đá được cho là “thạch anh hồng” nhặt được tại khu vực mỏ khai thác tại xã Hòa Ninh đến một cửa hàng chuyên buôn bán đá quý trên đường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng để tìm hiểu “giá trị thực” của nó.
Đến đây, chúng tôi được ông chủ tiếp một cách khá dè dặt. Khi hỏi đá này có quý không? Thì ông này liền trả lời: “Quý chứ sao không? Đất, cát của Việt Nam ta cái gì không quý? Cái gì là tài nguyên đều là quý cả. Vấn đề chúng ta sử dụng vào mục đích gì mà thôi!”. Nhưng khi hỏi giá của mỗi kg đá này là bao nhiêu thì vị này từ chối trả lời và cho rằng: “Giá trị của nó rất khó xác định bởi tùy mỗi viên được gia công, có hình thù… như thế nào mà có giá khác nhau”.
Vị này còn viện dẫn, một cục đá vôi giá chỉ vài chục ngàn đồng nhưng qua bàn tay của người nghệ nhân thì cục đá này có thể có giá hàng ngàn đô la! Tuy nhiên vị này xác nhận đây đúng là loại thạch anh hồng.
PV SGGP tiếp tục mang viên “đá quý” của mình sang một chi nhánh công ty chuyên doanh vàng bạc - đá quý có uy tín tại TP Đà Nẵng để “giám định” giá trị. Tại đây, sau khi dùng máy “chích” thử độ cứng cũng như quan sát bằng mắt thường, một viên đá do PV SGGP cung cấp, một kỹ thuật viên nơi đây nhận định: “Đây là loại có giá trị nhưng muốn giá trị chính xác bao nhiêu thì… chỉ có cơ quan chuyên môn của Nhà nước mới thẩm định được. Tuy nhiên, kỹ thuật viên này cũng xác định đây là loại thạch anh hồng.
Cũng theo vị kỹ thuật viên này, nếu những viên đá này được gia công thành mặt nhẫn đeo tay, mặt dây chuyền, đồ trang sức… thì sẽ được bán với giá từ 1 triệu đồng/viên/4 ka-ra (1 carat = 200 milligrams). Trong đó, giá gia công mỗi viên khoảng 100 ngàn đồng.
Chỉ mới là hai ý kiến tham khảo (không chính thức) của 2 nơi chuyên doanh đá quý nhưng việc giám định giá trị thực của loại đá này thật sự… khó và chênh lệch giá khá nhiều. Một bên mua ký với giá vài trăm ngàn/kg nhưng một bên tính bằng ka-ra lại có giá hàng triệu đồng? Giá trị thực của loại đá này là bao nhiêu? Nó quý đến thế nào?
Cần giám định lại chất lượng
Hiện nay, khu vực có điểm thạch anh hồng trên nằm trong diện tích đất Bà Nà – Suối Mơ đã được UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở Du lịch (nay là Sở VH-TT-DL) TP Đà Nẵng quản lý để khai thác dịch vụ du lịch.
Trao đổi với PV SGGP, ông Hoàng Minh Hòa – Trưởng phòng Quản lý tài nguyên và môi trường (thuộc Sở TN-MT) TP Đà Nẵng, cho biết: Thời gian sắp đến, việc bảo vệ điểm khoáng sản tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu như phát hiện người nào khai thác, nhẹ thì lập biên bản trục xuất ra khỏi rừng, nặng thì xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng, các cơ quan chức năng cần giám định lại một lần nữa chất lượng của loại đá thạch anh hồng ở Hòa Ninh để có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ, khai thác để khỏi thất thoát tài nguyên quốc gia.
NGUYÊN KHÔI
Thông tin liên quan:
* Có hay không mỏ đá quý “triệu đô” ở Hòa Vang?