Chiều 21-3, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định cho biết, ngay trong chiều cùng ngày đơn vị đã cho thu hồi ngay văn bản gửi Giám đốc Bảo tàng tỉnh liên quan đến việc kiểm tra, xác minh và xử lý cán bộ, viên chức cung cấp thông tin, hình ảnh, video liên quan đến việc xây dựng di tích tháp Bánh Ít ra ngoài. “Tôi đã cho thu hồi văn bản lại rồi. Tôi cho thu xong rồi, thu ngay buổi chiều rồi”, ông Tạ Xuân Chánh nói.
“Vì sao vừa ra văn bản đã thu hồi lại?” – PV đặt câu hỏi. “Bởi vì mình ra văn bản để anh em họ nắm tình hình, rồi thu văn bản lại thôi, không có vấn đề gì đâu. Nhắc nhở anh em để cho họ rút kinh nghiệm, đâu có vấn đề gì đâu. Nhắc nhở anh em ở dưới, làm công tác bảo tàng cho tốt hơn…”, ông Chánh nói.
Báo SGGP vừa có thông tin, Giám đốc Sở VH-TT Bình Định ra văn bản số 310/SVHTT-KHTC (có đóng dấu đỏ của Sở VH-TT tỉnh Bình Định) đề nghị Giám đốc Bảo tàng Bình Định khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cán bộ, viên chức tại bảo tàng tỉnh cung cấp thông tin, hình ảnh, video chung quanh việc xây dựng, tu bổ và tôn tạo các hạng mục di tích tháp Bánh Ít.
“Đồng thời xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không đúng quy định. Báo cáo kết quả thực hiện cho Giám đốc Sở VH-TT tỉnh trước ngày 21-3-2022”, văn bản ông Chánh ký nêu.
Theo Sở VH-TT Bình Định, dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (gọi tắt là dự án) do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương, đầu tư, Bộ VH-TT-DL và Cục Di sản văn hóa thỏa thuận, thẩm định; giao Sở VH-TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư.
Trong văn bản, ông Tạ Xuân Chánh cho biết, quá tình xây dựng dự án, báo chí dư luận và các trang mạng có một số phản ánh trái chiều “không mang tính chất xây dựng” xung quanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng cảnh quan, đường đi tại cụm di tích tháp Bánh Ít.
Đặc biệt, ông Chánh cho biết, ngày 11-3, Sở VH-TT tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh đã có thông cáo báo chí số 282/TTBC-LS về việc một số phản ánh của báo chí, thông tin mạng chung quanh việc thi công dự án. Tuy nhiên, sau đó vẫn còn một số thông tin trái chiều, làm nhiễu loạn thông tin và gây khó khăn cho việc tiếp tục tổ chức thực hiện dự án.
“Mới đây, Sở VH-TT nhận được một số thông tin phản ánh về cán bộ viên chức bảo tàng tỉnh đã cung cấp hình ảnh, các đoạn video trong quá trình xây dựng hạng mục dự án trên ra ngoài”, văn bản ông Chánh ký nêu.
Trước đó, Báo SGGP và một số cơ quan báo chí phản ánh, quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư để nhà thầu huy động cơ giới, máy đào thi công rất phản cảm, thô bạo. Cụ thể, nhà thầu đưa máy đào lên khu vực bảo vệ vòng 1 tháp Bánh Ít (khu vực cụm 4 tháp: tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia) để đào bới, san gạt nguy cơ làm biến dạng, xâm hại di tích gốc. Trước đó, đơn vị thi công huy động máy đào vào san bạt thi công sát chân tháp Cổng - khu vực bảo vệ vòng 1 tháp Bánh Ít Ngoài ra, nhà thầu huy động nhân lực đào bới, tạo móng bê tông ở khu vực dưới châm cụm 4 tháp; đóng hàng gạch sơn giả bao vây dưới chân tháp Chính, tháp Hỏa để làm bồn hoa cảnh; san bạt cả khoảng cây xanh rộng để bê tông. Nhà thầu huy động cơ giới đào xới, san gạt khu vực sát chân tháp Cổng, khiến chân tháp này xuất hiện kẻ hở, hổng dưới chân… Sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã ghi nhận và có chỉ đạo tạm dừng thi công khu vực cụm 4 tháp Bánh Ít. Qua đó, đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu không thi công bằng cơ giới ở khu vực tháp vùng bảo vệ vòng 1 di tích. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở VH-TT tỉnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp thiết kế, lấy ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh thiết kế liên quan đến các việc xây dựng trên sân tháp, bỏ việc xây bồn hoa sát chân tháp mà dư luận không đồng tình, lát nền xung quanh tháp… |