"Hiện tại chưa có hồ sơ nên tôi chưa thể nói gì. Tuy nhiên, sau khi nhận được hồ sơ gốc chúng tôi sẽ tổ chức buổi làm việc không chỉ với các cơ quan tố tụng mà còn cả chuyên gia và có ý kiến sau", ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Trước đó, trao đổi với SGGP, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia TPHCM, cũng cho rằng chỉ đạo của TAND tối cao là rất cần thiết, kịp thời, bảo đảm tính thận trọng, tôn trọng các ý kiến trái chiều từ nhiều phía.
“Tôi nghĩ rằng với trường hợp này thì sau đây TAND tối cao cũng sẽ đưa ra để rút kinh nghiệm cho toàn ngành, bởi nó không còn đơn giản chỉ là một vụ án xảy ra ở một địa phương. Tôi hy vọng tới đây TAND tối cao sẽ có một quyết định xác đáng hơn và từ bản án này sẽ bổ sung trong nhận thức về vấn đề gây tai nạn trên đường cao tốc, nhất là dừng xe, lùi xe không đúng quy định. Trong thiết kế đường cao tốc cũng như trong các quy định về pháp lý đều sẽ phải bổ sung nhận thức mới”, ông Nguyễn Đức Sáu nêu ý kiến.
Theo hồ sơ, ngày 19-11-2016, Ngô Văn Sơn lái chiếc xe Innova chở 10 khách từ Bắc Ninh lên TP Thái Nguyên ăn cưới. Khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, Sơn lái xe chạy quá nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên) nên sau đó lùi xe lại để đi ra nút giao. Lúc này, Lê Ngọc Hoàng lái chiếc xe đầu kéo rơ moóc đi thuận chiều trên cao tốc với tốc độ 60-65km/giờ. Đến gần nút giao thấy chiếc Innova phía trước đang bật đèn phanh đỏ. Do phía sau có ô tô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn, nên đã tông vào đuôi chiếc Innova khiến 4 người tử vong tại chỗ. Cơ quan tố tụng đã cáo buộc tài xế Sơn vi phạm 3 lỗi: lùi xe ở khu vực cấm dừng trên cao tốc, điều khiển ô tô trên đường khi có nồng độ cồn và chở khách vượt quá số người quy định. Còn tài xế Hoàng bị cáo buộc không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước. Bản án sơ thẩm tuyên buộc tài xế Sơn 10 năm tù, Hoàng 8 năm tù. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Thái Nguyên đã giảm án cho Sơn còn 9 năm và Hoàng còn 6 năm tù. |