Lựa chọn của tài xế trong ranh giới sinh - tử
Ngày 4-4, Đoàn công tác Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia do Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT Quốc gia dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với các ngành chức năng để khắc phục, xử lý vụ lật xe tải chở dưa hấu khiến 9 người thương vong (4 người chết, 5 người bị thương) tại tuyến đường ĐT 643 (xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên) vào ngày 3-4.
Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân bị thương nặng |
Sau khi kiểm tra hiện trường, đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông (TNGT). Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho biết, 5 nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn hiện có 2 người bị thương nặng được chuyển đến TPHCM, TP Quy Nhơn (Bình Định) để điều trị; 3 người còn lại đã dần bình phục.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, anh Nguyễn Long Giang (33 tuổi, trú tỉnh Quảng Bình; 1 trong 2 tài xế xe tải bị lật) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại một số tình tiết trước khi xe tải bị lật.
Tài xế Nguyễn Long Giang kể lại sự việc |
Theo anh Giang, trước khi bị lật, xe tải BKS 73H-009.42 do Hoàng Ngọc Anh (32 tuổi, trú tỉnh Quảng Bình) điều khiển đã mất thắng nhiều km, xe tải tự do lao dốc. Lúc này, tài xế Anh đã mất kiểm soát, vô cùng hoảng loạn, cố tìm đoạn đường lánh nạn để thoát chết. Tuy nhiên, cả đoạn đường không có điểm đường lánh nạn nên buộc tài xế Anh phải bẻ lái sang trái đâm vào vách núi, nếu bẻ lái sang phải thì lao xuống vực, hậu quả nghiêm trọng hơn…
“Lúc ấy tôi đang ngủ, nghe tiếng la hét nên bật dậy thì xe đã mất thắng đang đà lao dốc. Anh Anh cố lái xe qua một số khúc quanh tìm đường lánh nạn nhưng không có đành bẻ lái qua trái lao vào vách núi, hy vọng sống cao hơn. Bởi, nếu anh Anh bẻ lái qua bên phải là vực sâu, khả năng chết rất nhiều người… Giá như có đường lánh nạn thì tỷ lệ sống sót của chúng tôi sẽ cao hơn”, tài xế Giang run rẩy kể lại.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn |
Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên, trước khi xảy ra vụ tai nạn vào đêm ngày 2 rạng sáng 3-4, xe tải trên bốc dưa hấu cả đêm đến sáng. Đến sáng 3-4, tài xế Anh thay ca chở dưa hấu đến Hải Dương để bán. Ban đầu, trên xe tải chỉ có 3 người (2 tài xế, 1 đại diện chủ hàng). Trong khi đó, 6 người thợ bốc dưa khác do không có xe về nên xin lên quá giang xe tải xuống QL1A để đón xe khách về quê...
Bất cập quy định "điểm đen"
Làm việc với Đoàn công tác Ủy ban ATGT quốc gia, Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết, hiện Bộ công an đã có chỉ đạo Cục CSGT phối hợp với Công an tỉnh Phú Yên, Công an huyện Tuy An điều tra, làm rõ vụ tai nạn để có biện pháp xử lý.
Đoàn kiểm tra của Ủy ban ATGT Quốc gia và lãnh đạo Công an tỉnh Phú Yên kiểm tra hiện trường tai nạn |
Theo Đại tá Hoàng, một bất cập lớn nhất ở điểm đường xảy ra tại nạn là không có đường lánh nạn, do chưa thể đưa vào "điểm đen" TNGT. Trước đó, các đơn vị chức năng tỉnh Phú Yên đã kiến nghị với Cục Đường bộ (Bộ GTVT) đưa điểm đường này vào "điểm đen" TNGT để có các giải pháp đảm bảo an toàn, đường lánh nạn. Tuy nhiên, theo quy định Bộ GTVT chỉ khi xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng thì mới đưa vào "điểm đen".
“Không thể chờ chết người mới đưa vào "điểm đen" được, mà cần bổ sung các điểm đường nguy cơ cao, điểm đường thường xuyên xảy ra TNGT”, Đại tá Hoàng cho biết.
Ngoài ra, theo Công an huyện Tuy An, trước khi xe tải bị lật ở đỉnh đèo xe đạt vận tốc 58km/giờ, đến vị trí xảy ra tai nạn xe có vận tốc 60km/giờ. Đặc biệt, đây là đoạn đường không có biển hiệu giới hạn tốc độ…
Tại cuộc làm việc, Thượng tá Phạm Việt Công lưu ý một số nội dung trong tăng cường rà soát, kiểm tra, tuần tra các điểm đường thường xuyên xảy ra TNGT ở tỉnh Phú Yên. Giao Sở GTVT tỉnh chú ý công tác kiểm soát an toàn phương tiện, tăng cường giám sát các điểm đường nguy cơ tuyến huyện; rà soát toàn tuyến ĐT 643 đoạn xảy ra vụ lật xe chở dưa để lắp đặt biển báo giảm tốc, cảnh báo nguy hiểm, nghiên cứu đường lánh nạn, đèn chiếu sáng…
Người dân dự tang lễ của các nạn nhân tử vong trong ngày 4-4 |
Thượng tá Phạm Việt Công đề cập đến nhiều vụ TNGT vừa qua trên cả nước, nhấn mạnh 2 vụ TNGT nghiêm trọng ở Quảng Nam và Phú Yên. Trong đó, điểm chung là tài xế đều người ngoài tỉnh di chuyển đến. Qua đây, đề nghị ngành chức năng các tỉnh cần khai thác, quản lý tối ưu thiết bị và dữ liệu giám sát hành trình quốc gia để kịp thời can thiệp, ngăn chặn các nguy cơ TNGT. Đặc biệt, tỉnh Phú Yên trước đó làm chưa tốt việc giám sát hành trình khi để xe khách không đủ điều kiện vào TP Tuy Hòa (Phú Yên) nhiều lần, sau đó gây tai nạn…
Trả lời báo chí về nội dung bất cập từ Thông tư 26/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT ngày 20-7-2012 về quy định việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm, điểm đen trên đường bộ đang khai thác, ông Công cho biết: Mặc dù quy định 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng mới đưa vào danh mục điểm đen để sử dụng nguồn vốn thực hiện các giải pháp an toàn. Tuy nhiên, theo ông Công, Thông tư 26 cũng có thể cho phép đưa đoạn đường vào điểm đen nếu thường xuyên xảy ra các vụ TNGT…
Riêng về trường hợp ở điểm đường xảy ra vụ lật xe tải vừa rồi, mặc dù trước đó đã xảy ra nhiều vụ TNGT, phía tỉnh Phú Yên đã có kiến nghị nhưng không được giải quyết. Nội dung này, Bộ GTVT đã có quy định rõ, cần xem xét trách nhiệm nếu địa phương đã có kiến nghị nhưng chưa được giải quyết. Tới đây, Ủy ban ATGT quốc gia cũng sẽ tham mưu với Bộ GTVT, Chính phủ để xem xét bổ sung, sửa đổi thông tư, quy định cho phù hợp với thực tiễn…
Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong |
Chiều 4-4, Đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia đã đến thăm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ các nạn nhân ở Bình Định tử vong trong vụ lật xe tải trên.
Trước đó, UBND thị xã An Nhơn (Bình Định) đã hỗ trợ ban đầu gia đình 3 người chết, mỗi trường hợp 5 triệu đồng; 3 người bị thương, mỗi trường hợp 3 triệu đồng; Ban ATGT thị xã này cũng hỗ trợ mỗi trường hợp người chết 2 triệu đồng…