Vu Lan báo hiếu
Cô bé ấy tên là Nguyễn Diệu Mơ, 16 tuổi, ngụ phường 4 (quận Tân Bình). Nhắc đến ba mẹ là Diệu Mơ sụt sùi quay mặt, nói không thành tiếng: “Mẹ con mất vì Covid-19, nay là 2 năm rồi. Còn ba con mất vì tai nạn gần 10 năm trước, giờ chỉ còn hai anh em sống với nhau. Anh Hai con sáng mai mới lên chùa với ba mẹ, giờ này anh tranh thủ chạy xe công nghệ kiếm thêm thu nhập nuôi con đi học”. Nói rồi, Diệu Mơ quỳ trước bàn thờ Phật, khấn đọc một đoạn kinh Vu Lan, rồi khẽ kể với mẹ cha kết quả học tập của năm học qua với bao khó nhọc, vất vả của hai anh em. “Ba mẹ yên lòng nghen, con và anh Hai vẫn khỏe, học hành và sinh sống đúng với những gì ba mẹ hằng mong…”, Diệu Mơ lẩm nhẩm tâm sự.
Từ sau dịch Covid-19 đến nay, mùa Vu Lan năm nào anh Nguyễn Minh Hùng (ngụ phường 14, quận 3) cũng đưa hai con nhỏ lên chùa Hải Đức (quận Phú Nhuận) thắp nhang cho vợ và cha mẹ đang lưu cốt tại đây. Vợ anh Hùng cũng mất vì Covid-19 hai năm trước, lúc đứa lớn của anh vừa học hết lớp 12, còn bé gái mới xong lớp 7. Đến trước gian phòng lưu cốt trên lầu 3, anh Hùng khẽ dặn các con: “Vào thưa chuyện với mẹ đi con, ba qua bên này với ông bà nội”. “Nhớ kể mẹ nghe em đã hứa và làm được những việc gì nghen”, thằng anh nói với con em. “Em kể mẹ nghe chuyện hôm rồi đi trại hè ở cơ quan ba được không anh Hai”. “Được em. Năm nay hứa thực hiện chuyện gì thì nói với mẹ luôn nghen. Mà hứa gì là phải nhớ mà làm để Vu Lan sang năm kể với mẹ đấy”…
Đó là hai trong rất nhiều câu chuyện cảm động mà chúng tôi ghi nhận được tại các chùa trong mùa Vu Lan năm nay. Không chỉ những người mất mẹ, mất cha đến chùa trong những ngày này, mà còn có rất nhiều người, trong đó khá đông người trẻ đi lễ chùa để cảm nhận, hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống hôm nay có được do đấng sinh thành đã chăm sóc, dưỡng dục.
Mùa hiếu hạnh
Tài khoản Facebook của Lê Lan Anh (ngụ quận Tân Phú) những ngày qua tràn ngập hình ảnh các hoạt động từ thiện ở huyện Bình Chánh, quận 8 và tận tỉnh Trà Vinh… Trong một dòng trạng thái, có đoạn viết: “Tất cả chị em chúng con làm những điều tốt đẹp để hồi hướng cho cha mẹ hiện tiền và cha mẹ quá cố”. Mỗi phần quà gửi đến người nghèo, hộ khó khăn, tật nguyền, năm nào cũng có 10kg gạo ngon, thùng mì tôm, chai nước tương, dầu ăn. Năm nào dù khó đến mấy, chị em chị Lan Anh cũng gom góp được vài trăm phần quà rồi thuê xe chở đến những vùng xa, khó khăn cùng với chính quyền địa phương phát tặng cho các hộ nghèo, gia đình chính sách.
Nhóm của Hằng, Loan, Thanh ở quận 6 cũng chọn cách tưởng nhớ cha mẹ bằng những phần quà nhỏ trao đến người khó. Địa chỉ mà nhóm thường tìm đến là ở các bệnh viện, cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ em tật nguyền. Chỉ là tấm áo mới tặng trẻ thơ, bát cháo nóng cho người bệnh yếu, túi quà nhỏ đến hộ nghèo khó, cũng đủ tiếp thêm tinh thần, hơi ấm tình người giữa lúc khó khăn...
Sân chùa Vĩnh Nghiêm sáng chủ nhật trước lễ Vu Lan có rất đông bạn trẻ xếp hàng kiên nhẫn chờ đến lượt đăng ký hiến máu trong ngày lễ “Giọt máu đào cho đi”. Bích Đào, nhà ở quận 8, có mặt từ rất sớm cùng với nhóm bạn từ huyện Bình Chánh, hẹn nhau hiến máu xong là đi Đường sách. Bích Đào nói: “Nhóm tụi em Vu Lan năm nào cũng hẹn nhau đi chung”. Ngồi cạnh Bích Đào là bạn Trâm Anh (23 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), nói chen vào: “Em hiến máu lần này nữa là 17 lần rồi. Cũng như bạn Đào, Vu Lan năm nào em cũng đi hiến máu, với tâm nguyện báo hiếu công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và cũng góp một chút công sức nhỏ bé của mình cứu giúp người bệnh”…
Lễ Vu Lan là một nét đẹp văn hóa tâm linh của những người còn sống tưởng nhớ đến người thân đã quá cố. Nhưng với những người trẻ ở TPHCM, Vu Lan còn là dịp để họ lắng lại giữa xô bồ của cuộc sống hiện đại để nhớ về người thân, những đấng sinh thành, không chỉ là những người đã nằm xuống mà cả với những đang ở bên cạnh. Nhiều người trẻ cũng đã tự dặn lòng luôn khắc nhớ từng khoảnh khắc cuộc sống tốt đẹp, kỷ niệm thời thơ ấu đã qua và răn mình hãy sống xứng đáng với công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Đó là nét văn hóa trong đời sống tâm linh và ý nghĩa cao đẹp của lễ Vu Lan được truyền giữ bao đời nay.