Ai còn mẹ xin đừng làm
Hàng năm, vào mùa Vu Lan báo hiếu, dù bận công việc đến mấy, chị Nguyễn Hồng Hoa (ngụ phường 1, quận 10) cũng đưa cả nhà đến chùa Vĩnh Nghiêm lễ Phật, nguyện cầu hương linh của những người thân quá cố được siêu thoát và dâng báo với mẹ cha những việc đã làm được trong năm.
Quay sang người em trai đang sắp lễ lên bàn thờ Phật, chị Hoa dặn: “Năm rồi em làm được việc gì tốt, sống ra sao nói hết cho ba mẹ nghe đi nghen. Dù đã đi xa nhưng ba mẹ vẫn luôn ở bên chị em mình, ráng đừng để ba mẹ buồn”.
Chị Hoa cho biết, nhà có hai chị em, từ ngày mẹ mất cách nay hơn 3 năm, người em trai đã tu tỉnh lên rất nhiều, biết suy nghĩ và chịu khó làm ăn.
“Ngày trước em tôi không nghe lời mẹ, theo chúng bạn làm việc xấu, rồi ăn chơi, nợ nần”, chị Hoa nói trong khi người em trai khấn lạy. Đưa tay gạt dòng lệ lăn dài trên gò má, người em trai nghẹn lời gọi “Mẹ ơi”, rồi lùi lại phía cửa chắp tay, cúi đầu nhẩm đọc một đoạn kinh Vu Lan.
Cũng như chị em chị Hoa, rằm tháng 7 năm nào vợ chồng anh Nguyễn Văn Huỳnh cũng đến chùa Pháp Hoa (phường 14, quận 3) thắp nén nhang tưởng nhớ tới mẹ cha.
“Ba mẹ tôi ra đi đã hơn 10 năm nay rồi, nhưng chúng tôi luôn nghĩ ông bà vẫn bên cạnh răn dạy, nhắc nhở mỗi khi làm việc không đúng, nói điều không phải”, anh Huỳnh kể.
Ngày mẹ mất, mấy anh em anh Huỳnh đều cảm thấy hụt hẫng như mất đi một cái gì quý giá nhất trong đời. Mỗi năm cứ đến tháng 7 mùa Vu Lan là dịp để các thành viên trong gia đình thể hiện tình cảm, sự quan tâm, gần gũi, động viên nhau và hướng lòng mình về với mẹ cha, nhắc nhớ nhau hãy sống tốt để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Mỗi khi làm được một việc tốt giúp ích cho đời, anh Huỳnh như cảm thấy có niềm vui của mẹ cha bên cạnh, luôn dõi theo cổ vũ, động viên và tiếp sức để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Rất nhiều người như chị em chị Hoa, vợ chồng anh Huỳnh đi chùa lễ Phật ngày rằm tháng 7 đều được cài lên ngực áo bông hồng trắng. Những ai đang còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, như nhắc nhớ với nhau hãy sống và trân trọng giá trị, niềm hạnh phúc đang ở bên mẹ, cha trên cuộc đời này, để không quên lời răn dạy theo một đoạn thơ trong kinh Phật: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”.
Làm việc thiện báo hiếu mẹ cha
Ngày rằm tháng 7 Vu Lan hàng năm, tại nhiều ngôi chùa, tịnh thất thường tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện như khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho người nghèo, tàn tật, neo đơn không nơi nương tựa. Mỗi phần quà gồm 10kg gạo, thùng mì gói, dầu ăn, đường, bột ngọt…, do các phật tử và những tấm lòng hảo tâm chung tay góp sức với nhà chùa chia sẻ một phần khó khăn của những hoàn cảnh khốn khó, bất hạnh.
Nhiều trường hợp như gia đình chị Ngụy Thị Phương Thảo (phường 13, quận Phú Nhuận), Lê Thị Giàu (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), Lê Tấn Lợi (phường 3, quận 6)…, mùa Vu Lan năm nào cũng chuẩn bị hàng trăm phần quà rồi đem đến tặng các cơ sở nuôi dưỡng người già, tàn tật, hoặc những mảnh đời khó khăn, những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Người ít điều kiện thì hiến tặng giọt máu đào cứu người, hoặc làm một việc gì đó giúp đời - như tấm lòng trao gửi yêu thương đến với mọi người và hồi hướng công đức, báo hiếu mẹ cha.
Ở một ý nghĩa và triết lý rộng hơn của văn hóa Phật giáo, mọi người trong cuộc sống luôn hướng thiện, biết chia sẻ yêu thương với cuộc đời - không chỉ giới hạn trong ngày hiếu thảo vào rằm tháng 7 mùa Vu Lan. Tất cả những người con hiếu thảo phải thể hiện lời nói hiếu, hành động hiếu, ứng xử hiếu mọi lúc, mọi nơi, để hạnh phúc trong cuộc đời sẽ dài lâu, để cái đẹp mãi lan tỏa trong cuộc sống...
Theo Thượng tọa Thích Thanh Phong, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm TPHCM, tháng 7 Vu Lan từ lâu đã trở thành mùa báo hiếu của người Việt Nam. Tinh thần mùa Vu Lan cũng được mở rộng ra, không chỉ giáo dục về lòng hiếu thảo mà còn hướng mọi người sống có trách nhiệm với bản thân mình, với quê hương đất nước và thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương cha mẹ, mọi người. Lễ Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam.
Đã từ lâu, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.