Về việc này, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM Đàm Phan Phát cho biết, việc xử lý tình trạng tài xế xe công nghệ hoạt động “chui” tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thuộc trách nhiệm của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các đơn vị cung cấp ứng dụng. Tuy nhiên, trong những đợt cao điểm, Tổ chuyên ngành gồm thanh tra giao thông (TTGT), an ninh sân bay, đội CSGT khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã phối hợp triển khai tăng cường điều tiết xe, kiểm soát hoạt động vận tải... Khi phối hợp, TTGT chỉ xử lý tình trạng xe dừng, đậu không đúng nơi quy định. TTGT cũng kiểm tra, kiểm soát chặt các loại xe kinh doanh vận tải trá hình như “taxi ngoắc” hoạt động xung quanh sân bay và trà trộn vào bên trong. Trong đợt cao điểm tết, TTGT đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là dừng, đậu xe sai quy định; không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở mặt ngoài hai bên cửa ô tô chở khách theo quy định; sử dụng taxi chở hành khách có hộp đèn “TAXI” nhưng không gắn cố định trên nóc xe…
Theo đại diện an ninh sân bay Tân Sơn Nhất, tình trạng chèo kéo khách diễn ra chủ yếu trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 13 giờ, 16 giờ 30 đến 19 giờ, 22 giờ 30 đến 24 giờ. An ninh sân bay cũng thừa nhận, do địa bàn rất phức tạp nên hiện tượng xe công nghệ, xe hợp đồng hoạt động bát nháo vẫn diễn ra trong những ngày qua. “Dù cơ quan chức năng xử lý gắt gao nhưng chưa dứt điểm”, đại diện an ninh sân bay Tân Sơn Nhất phân trần.
Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), việc bảo đảm công tác an ninh, trật tự tại khu vực sân bay đã có quy chế phối hợp giữa lực lượng an ninh sân bay với chính quyền địa phương, Sở GTVT, Công an TPHCM.
Theo đó, các đơn vị đã ra quân xử lý những trường hợp đưa đón và chèo kéo khách làm mất an ninh, trật tự quanh khu vực sân bay. Và thực tế, những ngày qua, khu vực trong, trước và quanh sân bay, tình hình có chuyển biến nhưng chưa triệt để. Thời gian tới, cơ quan chức năng TPHCM và ngành hàng không sẽ quy hoạch lại cách thức hoạt động của các đơn vị vận tải hành khách.
Cụ thể, đối với lực lượng “xe ôm” cần có sự giám sát chặt chẽ, thậm chí phải thành lập nghiệp đoàn để quản lý tốt hơn. Cùng với các phương tiện truyền thống, phải sắp xếp lại các dịch vụ xe công nghệ, xe hợp đồng tại khu vực sân bay. Mục đích cuối cùng là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các đơn vị vận tải; đồng thời bảo đảm hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, qua đó giữ gìn an ninh, trật tự khu vực sân bay.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu không có một mô hình quản lý phù hợp thì cuộc chiến xe công nghệ, xe hợp đồng tại sân bay sẽ không có hồi kết. Các chuyên gia giao thông đề nghị sân bay Tân Sơn Nhất cần lên phương án bố trí chủ động về làn xe, tổ chức giao thông nội cảng khoa học hơn để tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay.