Vũ khí mới làm thay đổi cục diện các cuộc xung đột

Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine và Dải Gaza ngày càng căng thẳng, với sự triển khai nhiều loại vũ khí tân tiến, tuần báo Pháp Le Point nhận định, các loại vũ khí mới đã sẵn sàng làm đảo lộn các cuộc xung đột.

Anh thử nghiệm pháo laser DragonFire, có khả năng bắn hạ drone. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh
Anh thử nghiệm pháo laser DragonFire, có khả năng bắn hạ drone. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Theo Le Point, trong thời đại công nghệ phát triển vũ bão hiện nay, chỉ sau 6 tháng, 1 loại drone đã trở thành lỗi thời, tụt hậu trên chiến trường. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné của Viện Quan hệ quốc tế Pháp (Ifri) nhận định, trong mọi lĩnh vực các phát minh sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành chiến tranh. Biểu tượng của cuộc cách mạng này là AI.

Sắp tới sẽ là thời của hệ thống vũ khí sát thương tự động. Như các drone có khả năng tự quyết định (cao hơn các loại vũ khí hiện tại), tiêu diệt đối phương mà không cần có sự can thiệp của con người. Các hệ thống sát thương tự động này do con người lập trình, nhưng hành động sát thương sẽ được tự động hóa trên quy mô lớn. Thời gian ra quyết định thường là yếu tố mang lại chiến thắng, hay thất bại, nên quân đội nhiều nước chắc chắn sẽ bị hấp dẫn về khả năng này.

Tuy nhiên, phương thức tự quyết như vậy kéo theo nguy cơ chệch hướng, trong trường hợp xảy ra tấn công tin tặc nhắm vào hệ thống AI, hoặc khi hệ thống gặp trục trặc bất thường. Tệ hơn nữa, trong bối cảnh "thuật toán hóa"; ồ ạt các cuộc chiến tranh, việc đầu độc AI trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với các quốc gia.

Các độc tố kỹ thuật số, thường là mã độc, có thể được tích hợp vào "những viên gạch nền móng"; được sử dụng để tạo ra thuật toán, kể cả trong thời bình để sau này có thể sử dụng nếu cần. Thông tin sai lệch cũng có thể được đưa vào cơ sở dữ liệu dùng để AI trau dồi. Mục tiêu là thúc đẩy AI ra quyết định ngược với lợi ích của chủ nhân mà họ không nhận ra ngay lập tức. Điều này thực sự là một cơn ác mộng.

Ngoài drone, một trong những công cụ đang ngày càng trở nên thiết yếu trên chiến trường, một số ít vũ khí thử nghiệm (đặc biệt được lắp đặt trên tàu chiến và xe bọc thép nhỏ), đang mở đường cho việc hệ thống hóa sự hiện diện của laser trên chiến trường, bên cạnh súng trường, đại bác và tên lửa truyền thống. Với tia laser, không cần đến đạn dược, số lần bắn không bị giới hạn, miễn là có đủ năng lượng.

Dù vậy, khi sử dụng nhiều thì tia laser cũng có thể có các vấn đề, chẳng hạn về nhiệt. Việc bọc thép phương tiện, cũng như hậu cần và nhất là việc sản xuất năng lượng của xe, tàu chiến và máy bay, cũng phải được cải tiến để phù hợp với việc trang bị và sử dụng tia laser. Ngày nay, chỉ có các tàu sân bay được trang bị lò phản ứng hạt nhân nhỏ mới có đủ điện để triển khai một số pháo laser cho các trận giao tranh cường độ cao.

Có khả năng nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tên lửa hành trình và máy bay siêu thanh là những loại vũ khí gần như không thể ngăn cản. Không giống như tên lửa hạt nhân liên lục địa, quỹ đạo bay của máy bay siêu thanh không phải là đạn đạo.

Cho đến thời khắc cuối cùng, chúng vẫn cơ động để thoát khỏi hệ thống phòng không, hoặc ngụy trang nguồn gốc thực sự của cuộc tấn công. Tốc độ của chúng khiến đối phương chỉ có khoảnh khắc ngắn ngủi để phản ứng. Tuy nhiên, vũ khí siêu thanh rất đắt tiền và không phải lúc nào cũng mang lại lợi thế quyết định.

Tin cùng chuyên mục