Hiệu quả đã rõ, song cũng dễ dẫn tới một hệ lụy là con người ngày càng khó theo kịp tốc độ thông tin và càng khó để xác định những thông tin đó là chính xác hay tin giả. Ngay cả các nước dẫn đầu về công nghệ trên thế giới cũng không thể loại bỏ được hết các tin giả, tin rác, các thông tin xấu độc, thù địch trên mạng xã hội. Do đó, việc quan trọng và cấp thiết là nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân để gia tăng khả năng tự phòng vệ.
Trong bối cảnh đó, TPHCM đã có một quyết định rất thời sự và cần thiết là xây dựng Chương trình “Chuyển đổi số của TPHCM”, với kế hoạch đưa toàn bộ nền hành chính vận hành trên các nền tảng số vào năm 2025. Sở dĩ nói quyết định của thành phố rất thời sự và cần thiết bởi trên thực tế, công tác PBGDPL sẽ tụt hậu nếu không song hành kịp chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác. Về yêu cầu, công tác PBGDPL phải luôn đi trước, phải là tiền đề cho công tác thi hành pháp luật.
Cũng như các lĩnh vực khác, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL là quá trình chuyển đổi các hoạt động PBGDPL từ hình thức truyền thống sang hình thức điện tử, tạo lập sẵn cơ sở dữ liệu để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm, sử dụng với chi phí thấp nhất, thậm chí là miễn phí với các nhóm đối tượng yếu thế.
Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới công tác PBGDPL đã được đặt ra trong Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đồng thời là yêu cầu thực tiễn của người dân và doanh nghiệp thành phố.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngay từ rất sớm, đội ngũ thực hiện nhiệm vụ PBGDPL tại các sở, ngành, các tổ chức đoàn, hội và cả cơ quan, đơn vị, địa phương cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố đã chủ động, nhanh chóng chuyển hướng công tác PBGDPL, bằng những cách thức và quy mô khác nhau.
Các đơn vị đã sử dụng cả nguồn lực tại chỗ và vận động, khuyến khích mời gọi thêm các doanh nghiệp, các tổ chức hành nghề luật tham gia cung cấp thông tin, tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng, thông qua các ứng dụng công nghệ số. Tuy thực tế chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu, mong muốn tiếp cận, tìm hiểu pháp luật của cộng đồng nhưng bước đầu cũng tạo điều kiện cho mọi người, mọi đối tượng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu pháp luật hơn.
Bên cạnh việc tăng cường phản bác các thông tin sai trái, kích động chống phá, chúng ta cần kịp thời hơn nữa trong việc tăng thêm lượng thông tin đúng đắn, tích cực. Đặc biệt là cần xây dựng các địa chỉ thông tin đáng tin cậy để người dân tra cứu, đối chiếu khi cần.
Thực tế, thời gian gần đây, ngày càng nhiều mô hình tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL đã được thực hiện trên khắp địa bàn thành phố, đặc biệt là trong dịp hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 hàng năm, góp phần hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của mọi công dân.
Với tâm thế luôn sẵn sàng và đã chủ động, TPHCM xác định việc thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL là giải pháp đổi mới mạnh mẽ cách thức tiếp cận pháp luật cho người dân, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cả đội ngũ cán bộ lẫn người dân. Trong hành trình đó, người dân đã được đặt vào vị trí trung tâm thông qua nền tảng, công nghệ số, từ việc xây dựng dữ liệu đến kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin pháp luật một cách chính thống, đầy đủ, kịp thời, thuận lợi trên môi trường internet.